Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy mô tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 4 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, việc thực hiện “mục tiêu kép” được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt; đặt mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Công tác điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Trong bối cảnh khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ; các linh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…
Dựa trên các số liệu đã đạt được trong 5 tháng qua và dự báo tình hình của tháng 6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, quy mô tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%.
Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản tăng 7,11%) và thấp hơn 1,39 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật tại thời điểm quý I/2021 (tăng 7,19%).
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng khoảng 3%. Sản xuất lúa dự báo tăng cả về năng suất và sản lượng. Sản lượng thịt hơi dự báo tăng 6,3%, trong đó sản lượng thịt lợn tăng 6,1%. Sản lượng thủy sản dự báo tăng 2,1%.
Sản xuất công nghiệp - xây dựng dự báo tăng trưởng khoảng 7,85%. Dự báo sản lượng sản phẩm các ngành dệt may, gia dày, ô tô có mức tăng tốt. Tuy nhiên, sản lượng các sản phẩm điện tử dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng thấp hoặc giảm.
Khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%. Dự báo tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%.
Hoạt động của doanh nghiệp dự báo còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%). Dự báo xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.
Những dự báo này cho thấy, tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau khi có tới hai đợt Covid-19 bùng phát trở lại, vào cuối tháng 1 và cuối tháng 4/2021.
Với tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra, áp lực rất lớn đang đặt vào các tháng cuối năm. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn nền kinh tế thì mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 6,5%.