Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu (Điện Biên): Thấp thỏm nỗi lo...!

04/04/2017 00:00

(TN&MT) - Thi công đã 6 năm, nhưng Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, vẫn chưa biết khi nào hoàn thành.

Rãnh xẻ dọc thân đồi từ đầu nguồn xuống chân bản Co Pục để đặt ống làm tuyến kênh dẫn nước
Rãnh xẻ dọc thân đồi từ đầu nguồn xuống chân bản Co Pục để đặt ống làm tuyến kênh dẫn nước

Dự án Công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu có tổng mức đầu tư 291,58 tỷ đồng. Dự án gồm 2 hợp phần lớn: Hợp phần dự án thủy lợi và hợp phần nhà máy thủy điện. Mục tiêu chung của Dự án nhằm cấp nước tưới tự chảy cho 370ha lúa 2 vụ, thuộc 2 xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) và 500ha hoa mầu, cây công nghiệp của xã Thanh Nưa (nay là 2 xã Hua Thanh và Thanh Nưa) huyện Điện Biên. Ngoài ra, còn cung cấp nước sinh hoạt cho 100.000 người dân vùng lòng chảo Điện Biên, kết hợp phát điện công suất lắp máy N1m = 3MW.

Hợp phần Thủy lợi Nậm Khẩu Hu do Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, công trình đã hoàn thành các hạng mục: Tràn xả lũ, cống lấy nước và đang thi công đường ống áp lực, đập đất. Dự kiến tháng 5/2017 sẽ hoàn thành đập đất.

Mục tiêu phát triển kinh tế, cung cấp nước tưới cho 370ha lúa 2 vụ, thuộc 2 xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) và 500ha hoa mầu của xã Thanh Nưa (nay là 2 xã Hua Thanh và Thanh Nưa) huyện Điện Biên, chưa thể thực hiện trong nay mai. Bởi lẽ, hệ thống kênh tưới dài 9.612,2m (trong đó, có 2.616,5m kênh chính, cùng mạng lưới kênh cấp 2, cấp 3) mới chỉ có thiết kế sơ bộ chưa có thiết kế chi tiết. Công trình cấp nước tưới lại chưa có tuyến kênh dẫn vì lý do “chưa có nguồn”...

Đối với người dân bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, bao nhiêu ngày Dự án được thi công là bấy nhiêu ngày chính quyền địa phương và các hộ dân bản Co Pục sống trong phập phồng, lo sợ vì khu vực này đã được cắm biển cảnh báo có nguy cơ xảy ra lũ.

Ông Quàng Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Hưa Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nhận định: Cứ mỗi lần trời mưa, các cấp chính quyền từ huyện đến xã, bản thấp thỏm phân công nhau trực lũ. Mưa kéo dài đến ngày thứ hai, thứ ba là chúng tôi đứng ngồi không yên vì lo cho 21 hộ dân bản Co Pục, xã Hua Thanh; khu vực đã từng xảy ra lũ ống và được cắm biển báo. Thậm chí tạnh mưa nắng ráo nhưng vẫn chưa hết lo... Đặc biệt, công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu hiện đang thi công phía trên đầu nguồn. Nhiều vị trí thân đồi đang bị nứt hình cánh cung, khối lượng đất, đá sẽ là rất lớn nếu xảy ra lũ quét. Ai dám chắc lũ không xảy ra và khối lượng đất đá ấy không sạt lở và đe dọa đến tính mạng con người?

Theo quan sát, phía đầu bản Co Pục có 1 rãnh lớn, xẻ dọc từ trên đỉnh đồi xuống ngay bản, rãnh có độ sâu hơn 1 mét, chiều rộng có đoạn lên đến 3 - 4 mét và đã bị nước bào mòn xoáy thành hang, hốc; với độ dốc cao gần như dựng đứng, đường ống lại tạo thành dòng chảy lao thẳng vào nhà dân, nếu chẳng may lũ về, đây sẽ là đường “trườn” của đất, đá.

Rãnh xẻ tạo ra túi nước dẫn tới nguy cơ sạt lở tăng cao
Rãnh xẻ tạo ra túi nước dẫn tới nguy cơ sạt lở tăng cao

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Phương, Bí thư Huyện ủy huyện Điện Biên cho biết: Bản Co Pục đã từng xảy ra một trận lũ quét, được Bộ NN&PTNT, cắm biển cảnh báo “khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét” từ những năm 2000. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án, khối lượng đất đá san lấp làm đường ống dẫn nước xuống khu vực thủy điện tạo thành một túi nước lớn phía trên đầu đặt ống, dẫn đến nguy cơ gây sạt trượt. Để hạn chế ảnh hưởng, cứ mùa mưa lũ là chúng tôi cảnh báo người dân di chuyển sang nhà văn hóa hoặc trường học để trú tạm. Việc xây dựng nhà máy thủy điện tại khu vực bản Co Pục cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. UBND huyện Điện Biên đã phối hợp với chủ đầu tư vận động, hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng quy hoạch thủy điện và vùng có nguy cơ sạt lở. Tuy vậy, với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để người dân di chuyển đến nơi ở mới là quá thấp, nên người dân không muốn chuyển đi” – ông Phương cho biết thêm.

Ông Quàng Văn Nhí, Bí thư Chi bộ bản Co Pục chia sẻ: Với số tiền Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời dân bản đi nơi ở khác là việc làm quá khó khăn, dân bản lấy đâu ra tiền để làm nhà mới và một loạt các phát sinh khác. Nếu nhận được tiền đền bù, thêm thắt vào, may ra chúng tôi dựng được nhà để ở. Chúng tôi cũng khổ lắm, lúc nào cũng lo lũ đột ngột kéo về, nhưng đi, tiền đâu để làm nhà, nên cứ liều ở vậy.

Đó là  lý do khiến người dân bản Co Pục vẫn nhùng nhằng giữa đi và ở. Theo ông Nhí, các hộ đã di chuyển, đều là những hộ được đền bù do có liên quan đến hợp phần nhà máy thủy điện. Nhưng vì di chuyển lên cao tránh lũ sẽ thiếu nguồn nước, phải dùng xe xuống chở dưới này lên. Cả bản có 5 bể nước sạch, nhưng nguồn nhỏ, mùa cạn chỉ còn 2 bể, nên thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Cùng với đó, thiếu đất sản xuất nên một số hộ di chuyển lên cao còn khó khăn hơn. Các hộ khác thấy vậy cũng không muốn di chuyển lên cao. Do dự án thi công kéo dài, ngày 13/11/2014, Sở NN&PTNN tỉnh Điện Biên, tiếp tục chuyển Tờ trình số 1815/TTr-SNN, trình UBND tỉnh Điện Biên xin bổ sung chi phí trượt giá vật liệu, lương nhân công và sắp xếp, ổn định dân tái định cư của 39 hộ người Mông, bản Nậm Khẩu Hu, xã Nà Nhạn trong vùng lòng hồ buộc phải di chuyển; nâng tổng mức đầu tư từ 291,5 tỷ đồng lên 326 tỷ đồng điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2020, nhưng cũng không hề có danh mục đề nghị đưa 21 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất đồi nằm ngay dưới chân của Dự án. Ai cũng biết, 110 nhân khẩu người Khơ Mú của bản Co Pục, xã Hua Thanh, nằm trong vùng cảnh báo có nguy cơ sạt lở, nhưng lại bị nằm ngoài Dự án !?.

Thi công đã 6 năm, nhưng Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, vẫn chưa biết khi nào hoàn thành. Chỉ biết rằng, 21 hộ, người dân tộc Khơ Mú của bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, hiện vẫn loay hoay giữa đi và ở. Họ không thể nào yên tâm, lao động sản xuất. Trong khi, nội tại mớ bòng bong của Dự án vẫn chưa thể nào tháo gỡ.

Trần Hương - Hà Thuận

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Thủy lợi Nậm Khẩu Hu (Điện Biên): Thấp thỏm nỗi lo...!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO