Dự án Quốc lộ 37 và đường trục Bắc-Nam, tỉnh Hải Dương: Nhiều dấu hiệu “khuất tất” cần được làm rõ

17/04/2018 01:04

(TN&MT) - Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 37 được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên hành lang giao thông kết nối phát triển kinh tế giữa các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương. Tuy nhiên một phần của dự án đoạn qua tỉnh Hải Dương đã bị chậm tiến độ nhiều năm do chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải Hải Dương bố trí vốn không hợp lý, đầu tư dàn trải, điều này khiến dư luận “hòai nghi” về tính minh bạch trong đầu tư cũng như trách nhiệm của ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương ?

Ngày 23-6-2010, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) và huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) được khởi công. Đoạn đường thi công dài 24,7 km, có tổng mức đầu tư gần 1.255 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương (GTVT) làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK-Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng cầu đường số 18 (Licogi 18)-Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng số 18.6 (Licogi 18.6), dự kiến hoàn thành trong năm 2012. Theo thiết kế, dự án có quy mô là đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h. Nằm trong dự án này sẽ có hai cây cầu được xây dựng mới là cầu Chanh và cầu Ràm. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ là trục giao thông chính theo hướng Bắc Nam, kết nối hệ thống quốc lộ và đường cao tốc theo hướng Đông Tây qua địa bàn tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận; việc triển khai dự án này không chỉ mở ra một khí thế và diện mạo mới cho tỉnh Hải Dương mà mở ra hướng phát triển mới cho cả khu vực, góp phần phát triển kinh tế các khu vực vùng sâu, vùng xa, phát triển công nghiệp, thay đổi cơ cấu kinh tế của khu vực phía Bắc.

Được kỳ vọng là thế nhưng đến nay dự án này vẫn đang dang dở, rơi vào tình trạng “xôi đỗ”. Theo các đơn vị thi công nguyên nhân do công tác quản lý điều hành yếu kém, bất hợp lý của Ban quản lý các dự án công trình giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh Hải Dương. Cụ thể, nhiều đoạn chạy qua cánh đồng thuộc địa bàn huyện Ninh Giang dù mật độ phương tiện giao thông ít nhưng Sở GTVT Hải Dương lại bố trí vốn triển khai trước.

Trong khi đó, đoạn từ chân cầu Chanh đến tiếp giáp xã Thắng Thủy huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng với chiều dài gần 2 km (gói thầu số 10) là đoạn nối liền “huyết mạch” giữa Hải Dương và Hải Phòng nhưng suốt thời gian dài vẫn không được bố trí vốn để hoàn thiện. Nơi đây cũng trở thành nỗi ám ảnh của các phương tiện trong suốt một thời gian dài bởi ngày nắng thì bụi bay mù mịt còn ngày mưa thì đầy bùn đất. Trên đoạn đường này, trong thiết kế còn có một cống ngầm tuy nhiên tới nay vẫn chưa thể hoàn thiện do chủ đầu tư bố trí vốn không hợp lý. Không những các hạng mục công trình không được đưa vào sử dụng mà còn dẫn tới hệ lụy gây tiềm ẩn tai nạn giao thông và tốn thêm một khoản chi phí cho việc duy tu, bảo dưỡng một cây cầu tạm (do cầu cũ đã bị phá bỏ) gây ra tình trạng lãng phí.
 

ảnh
Quốc lộ 37 đoạn từ xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) tới Quán Ngái, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) hiện có khá nhiều ổ trâu, ổ gà. (Ảnh Đỗ Quyết - Báo Hải Dương )

Ông Bùi Xuân Hải, Giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông tỉnh Hải Dương, thuộc Sở GTVT khi trả lời báo chí gần đây thừa nhận: Lúc đầu triển khai không nghĩ sẽ thiếu vốn nên đầu tư làm cả 4 gói. Chúng tôi đã thống nhất với nhà thầu khi nào có vốn sẽ bố trí làm ngay”. Tuy nhiên, nhà thầu là Công ty Cổ phần tập đoàn đầ tư xây dựng DĐK thì cho rằng ngay khi được cấp bổ sung vốn để giải ngân thì phía chủ đầu tư đã “cố tình” bố trí vốn để triển khai các đoạn khác mà không ưu tiên cho đoạn chân cầu Chanh gây khó khăn cho doanh nghiệp và lãng phí ngân sách? Bên cạnh đó, ngày 28-1-2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK đã phải gửi văn bản (lần 3) đề nghị chủ đầu tư là Sở GTVT thanh toán khối lượng đã thi công theo yêu cầu. Cụ thể, nhà thầu này đã thi công xong đường bê-tông dưới gầm cầu Chanh mố M2 phía Hải Dương.

“Một số hạng mục công việc khác chưa thể triển khai thi công vì còn một số vướng mắc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư phải giải quyết nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thể giải quyết mặc dù nhà thầu thi công công đã kiến nghị nhiều lần bằng văn bản. Hiện tại phần việc đã thi công đã được tư vấn, giám sát xác nhận khối lượng từ tháng 11-2017 nhưng chủ đầu tư đưa ra nhiều lý do không hợp lý nhằm mục đích chưa thanh toán cho nhà thầu trong năm 2017 mặt dù vốn của gói thầu vẫn còn. Trường hợp chủ đầu tư cố tình không thanh toán gây nợ đọng xây dựng cơ bản là trái với tinh thần của Thủ tướng” – một số nhà thầu cho biết.

Liên quan tới việc đấu thầu các gói thầu tại Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 37 và Dự án đường trục Bắc – Nam, theo phản ánh có nhiều “khuất tất” thiếu minh bạch, vi phạm nghiêm trọng các trình tự thủ tục khi gói thầu nào cũng chỉ có hai doanh nghiệp tham gia. Điển hình là công trình cầu vượt qua đường 5 chỉ có hai đơn vị tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu còn cho rằng có dấu hiệu gian lận trong việc đấu thầu công trình đường cầu Hàn vượt sông Thái Bình đi qua phường Cẩm Thượng, xã Thượng Đạt (thành phố Hải Dương) và 7 xã thuộc huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương. Dự án này được khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2005 theo hình thức BOT, nhà đầu tư là Công ty Phát triển nhà và đô thị và Tổng công ty cao su Việt Nam, nhưng do gặp một số khó khăn nên nhà đầu tư xin thôi không thực hiện dự án. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép chuyển từ hình thức đầu tư BOT sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%) với tổng mức đầu tư là 721,5 tỷ đồng, dự án được tiếp tục triển khai từ tháng 6/2009.  Đọan từ đường 5B đến cuối tuyến (điểm cuối của dự án nối với QL37 (huyện Nam Sách) với chiều dài toàn tuyến là 10,9 km) UBND tỉnh đã cho phép đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng tuyến đường). Tuy nhiên, chủ đầu tư là Sở GTVT Hải Dương đã không tổ chức đầu thầu mà chỉ định thầu cho Tổng công ty xây dựng Licogi ? Điều này cũng đặt ra nhiều nghi vấn có hay không việc Sở GTVT Hải Dương có “ưu ái” cho doanh nghiệp “sân nhà” ?

Hiện Chính phủ đang kêu gọi, cộng đồng doanh nghiệp phát huy các nguồn lực để xây dựng đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, với cách làm của Sở GTVT Hải Dương, các nhà đầu tư đang cho rằng có tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” gây khó khăn khiến lãng phí nguồn lực, thiệt hại cho ngân sách. Hàng loạt câu hỏi của các nhà đầu tư đang đặt ra và gửi tới UBND tỉnh Hải Dương và các bộ, ngành liên quan. Trước sự việc này, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương sớm vào cuộc làm rõ những dấu hiệu thiếu minh bạch theo phản ánh từ đó có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Quốc lộ 37 và đường trục Bắc-Nam, tỉnh Hải Dương: Nhiều dấu hiệu “khuất tất” cần được làm rõ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO