Từ những thông tin phản ánh của người dân thôn Trung An, xã Quế Trung về những khốn khổ mà họ phải gách chịu vì một dự án triển khai đào, vận chuyển đất ào ạt tại địa phương.
Để tìm hiểu thực hư về thông tin trên, phóng viên báo TN&MT đã tìm về thôn Trung An, theo ghi nhận của chúng tôi, những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Dọc theo tuyến đường liên huyện nối Nông Sơn - Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), đoạn qua thôn Trung An là cảnh xe tải, xe ben chở đất “có ngọn” nối đuôi nhau chạy ầm ầm tranh chuyến.
Do vị trí Dự án Nhà máy gạch không nung được cấp tọa lạc ngay trên một ngọn đồi, nằm sát sau lưng nhà dân, nên việc xẻ đồi, cắt núi, vận chuyển đất ra ngoài đã gây không ít phiền toái đến đời sống người dân nơi đây. Quá trình cải tạo mặt bằng, máy móc đào bới, xe cộ ngỗn ngang, nối đuôi nhau ra vào như một đại công trường. Điều đáng nói là, dọc tuyến đường rất nhiều đoạn không có nhà dân, có địa hình thoải, rất thuận tiện và giảm chi phí cho công tác cải tạo mặt bằng thì không chọn, lại đi chọn vị trí dự án ngay trên ngọn núi, phía dưới là nhà dân?.
"Cuộc sống của hàng chục hộ dân ở dưới chân núi giờ chịu khổ vì mọc lên nhà máy gạch. Ai đời lại làm nhà máy phía trên đồi, ngay trên nóc nhà dân ở. Họ cày xới đất ngay trên đầu nhà dân. Máy móc ầm ầm cả ngày như chốn không có chính quyền. Bụi bặm ô nhiễm, chúng tôi thực sự không thể chịu nổi", một người dân nói.
Anh P.T (trú thôn Trung An) thở dài cho biết, nhà anh có con dại mấy tháng tuổi, vì bụi đất bao trùm cả nhà, nên cả ngày phải đóng cửa tránh bụi bặm, giảm ồn ào.
"Mình phản ánh miết nhưng không ai nghe, đôi khi cũng có lúc chính quyền xã xuống, nhưng khi xã hay cơ quan kiểm tra có mặt là dường như họ được biết trước, xe cộ chạy nề nếp, công tác tưới nước và vệ sinh đường được ra quân rât đồng bộ, khi chính quyền vừa đi khỏi thì đâu lại vào đấy. Vì vợ con mới sinh dậy còn yếu, do ảnh hưởng bụi nên con cái cứ ho hoài. Nhiều hôm phải nghỉ việc ở nhà để trông ngó. Có mình đàn ông ở nhà thì mấy ông xe tải, máy đào còn nể nang làm nhẹ nhàng lại tí. Khi mình đi làm là y như rằng mấy ông chạy ầm ầm", anh T. nói.
Nhìn về đại công trường, bà L.H (giáo viên hưu trí) ngao ngán kể rằng, làng Trung An vốn rất yên bình. Hàng chục hộ dân sống dựa lưng vào núi, phía trước là sông thơ mộng. Từ ngày có đại công trường trên đồi, tiếng ồn từ xe múc đất, những chấn động rùng nhà từ những chuyến xe trọng tải chở đất, những mâm cơm đầy bụi bẩn khiến người dân nơi đây chẳng ai chịu đựng được.
“Dân chúng tôi không đồng tình, nhưng giờ dự án đã được cấp phép thì đành chịu thôi, nhưng mong cơ quan chức năng quan tâm, giám sát chặt chẻ việc khai thác đất để giảm thiểu ảnh hưởng đời sống của người dân. Tội cho dân chúng tôi, không thể vì một Doanh nghiệp mà buộc người dân chúng tôi cùng sống chung với lũ như thế này được”, bà L.H chia sẻ thêm.
Có điều đặc biệt hơn nữa là, theo rất đông các hộ dân địa phương, từng có nhiều cuộc họp dân diễn ra nhằm lấy ý kiến người dân về dự án. Tại đây, đại đa số người dân đều lên tiếng phản đối dự án vì nhiều lý do. Trong đó, quan trọng nhất là chuyện dự án nhà máy gạch nằm ở trên cao, phía dưới là nhà dân. Từ đó, người dân lo lắng nhiều hệ lụy về ô nhiễm, sạt lở, ồn ào... thế rồi dự án cũng vẫn được thông qua?.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do lượng xe tải cở lớn ra vào dự án quá nhiều, khiến tuyến đường qua thôn bụi mịt mờ, tất cả những vật dụng trong gia đình đều bị phủ kín bụi đất. Để khắc phục, đơn vị thi công cho xe nhỏ chở nước tưới. Nhưng do xe không có chức năng xịt nước trôi bùn nên khi tưới đã đọng bùn trơn trượt lên tuyến đường. Thực trạng nắng bụi mưa bùn liên tục diễn ra. Nhiều vụ tai nạn, người đi xe máy trơn trượt đã xảy ra tại khu vực này.
Chính quyền xã Quế Trung cho biết rằng, việc máy móc đào núi, san đồi, chở đất đá tại thôn An Trung là hạ núi, san tạo mặt bằng làm Nhà máy gạch không nung. Dự án rộng 4ha do Công ty Quý Tín - Đại Việt làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Chủ tịch UBND xã Quế Trung thông tin thêm rằng, năm 2018, dự án từng được rục rịch triển khai. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chủ đầu tư chưa được cấp phép nhiều thủ tục quan trọng. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền đã "tuýt còi", xử lý. Đến gần cuối tháng 7/2019, Công ty Quý Tín - Đại Việt đã hoàn chỉnh giấy tờ và thi công trở lại.
"Người dân địa phương phản ánh miết từ ô nhiễm, ồn ào cho đến các thứ khác. Chính tôi cũng trực tiếp đi kiểm tra liên tục và luôn yêu cầu chủ đầu tư chấp hành tốt pháp luật...", ông Lanh nói.
Làm việc với phòng TN&MT huyện Nông Sơn, lãnh đạo phòng đã nghỉ phép nên phòng chỉ cung cấp cho chúng tôi tài liệu về dự án. Theo tài liệu thể hiện, dự án gạch không nung thôn Trung An rộng 4ha, công suất 20 triệu sản phẩm/năm.
Văn bản số 02/QĐ-UBND tỉnh Quảng Nam ngày 2/1/2019 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký thể hiện, dự án phải tuân thủ các quy chuẩn về môi trường, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, dân cư phải dừng ngay các hoạt động, báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Nhưng rõ ràng, từ những gì PV ghi nhận và phản ánh của hàng chục hộ dân địa phương thì Công ty Quý Tín - Đại Việt có dấu hiệu chưa thực hiện đúng quy định. Minh chứng rõ ràng nhất chính là sự phản đối của hầu hết người dân thôn An Trung.