Dự kiến chương trình họp của Quốc hội (QH) vào chiều 10-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết.
Nguồn vốn quá lớn
Vào chiều 14-11, QH sẽ họp riêng để thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ trả lời ý kiến của đại biểu (ĐB) QH về dự thảo nghị quyết này.
Nói về vấn đề trên, bên hành lang QH vào chiều 9-11, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH, bà Trần Thị Quốc Khánh, cho biết bản thân bà năm 2009 cũng là một trong những ĐB bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân. Tuy vậy, đến nay có quá nhiều sự thay đổi, trong đó quan trọng là nếu tập trung đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân thì sẽ phải vay nợ nhiều, dẫn đến nợ công vượt ngưỡng, khó chịu đựng được, nhất là trong bối cảnh nợ công rất lớn như hiện nay.
Khảo sát địa chất ở khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận |
Bà Quốc Khánh phân tích Nghị quyết của QH năm 2009 có đề cập năm 2020 sẽ vận hành Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, những báo cáo gần đây cho thấy nếu đầu tư dự án này thì tổng vốn không chỉ dừng lại ở con số 200.000 tỉ đồng như kế hoạch mà sẽ tăng cao, thậm chí có thể gấp đôi. Nguyên nhân tăng vốn là để bảo đảm được an toàn, phải tăng rất nhiều điều kiện về kỹ thuật... Nền kinh tế không có khả năng đáp ứng, không thể huy động được nguồn vốn.
Nhu cầu không cấp thiết
ĐB Dương Quang Thành (Hà Nội), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng Chính phủ đã duyệt Quy hoạch điện quốc gia giai đoạn 7, điều chỉnh vào tháng 3-2016. Trong đó, không có quy hoạch nhà máy điện hạt nhân đến năm 2030, đồng thời đưa vào rất nhiều nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực điện quốc gia.
Theo ông Thành, với các tính toán mới, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 11%/năm và giai đoạn 2021-2030 từ 7%-8%/năm, thấp hơn nhiều so với bối cảnh năm 2009 khi Chính phủ trình QH thông qua chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
“Trong giai đoạn trước năm 2009, do tăng trưởng kinh tế ở mức cao nên nhu cầu tăng trưởng điện được dự báo là từ 17%-20%/năm. Bởi vậy, Chính phủ lấy mức tăng trưởng 22% làm phương án điều hành để bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Với mức tăng trưởng đó, nguồn năng lượng ở trong nước như than, dầu, thủy điện... không đáp ứng được. Hơn nữa, nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu tại thời điểm đó giá cao cho nên điện hạt nhân là phương án cạnh tranh, có hiệu quả” - ông Thành lý giải.
Hiện nay, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và nhập khẩu bảo đảm được đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nguồn năng lượng sơ cấp của nước ngoài như dầu mỏ, than có giá thấp hơn nhiều so với thời điểm trước. Việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác về mặt kinh tế. “Hiệu quả và nhu cầu đầu tư điện hạt nhân không phải là cấp thiết so với dự báo trước đây” - ông Thành nhấn mạnh.
Theo nld.com.vn