Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi): Sớm hoàn thiện đánh giá tác động chính sách

Mai Đan| 15/03/2022 09:21

(TN&MT) - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo Đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Đây là một trong những thành phần hồ sơ quan trọng đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Đổi mới điều tra địa chất

Hiện nay, các vấn đề như thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý đất đai, giảm nhẹ tác động của thiên tai đã trở thành mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia, do vậy những thách thức và nhiệm vụ mà công tác điều tra địa chất phải đối mặt càng yêu cầu khắt khe hơn, chất lượng cao hơn. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách, các ngành kinh tế, người dân,… cũng có nhu cầu ngày càng cao về dữ liệu, thông tin địa chất, đòi hỏi sự đổi mới của công tác điều tra địa chất.

Trên thực tế, các nước có ngành địa chất phát triển luôn coi trọng việc nâng cao vai trò của điều tra địa chất trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thay đổi xã hội. Trong thời đại 4.0, sự phát triển tích hợp của các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực địa chất, ứng dụng dữ liệu lớn và cải thiện khả năng giám sát được coi là cơ hội phát triển mới đối với ngành địa chất.

t11.jpg

Hoạch định chính sách nhằm đáp ứng sự đổi mới điều tra địa chất. 

Đứng trước cơ hội và thách thức, ngoài truyền thống về lập bản đồ địa chất, phát hiện tài nguyên địa chất, trong đó có khoáng sản; đánh giá, thăm dò khoáng sản nhằm gia tăng nguồn lực tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh về khoáng sản cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách về địa chất của nhiều nước đã có những thay đổi sâu rộng.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là đối với lĩnh vực khai thác, chế biến than, vonfram - đa kim, xi măng... góp phần cho ngành công nghiệp khai thác phát triển từ “bề rộng” chuyển sang “chiều sâu”, giảm tiêu hao điện, năng lượng, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản, tạo ra các sản phẩm có giá trị giá cao.

Tuy nhiên, Luật Khoáng sản 2010 chưa có các chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, do đó, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản còn lãng phí tài nguyên,...

Hoàn thiện chính sách là nhiệm vụ quan trọng

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy yêu cầu cấp bách của việc xây dựng chính sách, pháp luật quản lý Nhà nước về tài nguyên địa chất, điều tra địa chất và các điều kiện địa chất nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Nghị quyết vạch ra là “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng”.

Để thể chế hóa được những quan điểm, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện pháp luật về địa chất và khoáng sản, phát huy những kết quả tích cực đạt được, khắc phục những tồn tại, cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản để ban hành thành Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước tập trung, thống nhất ở Trung ương cho lĩnh vực quản lý về địa chất, khoáng sản, phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, mục tiêu xây dựng chính sách nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về địa chất và tài nguyên khoáng sản nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác điều tra địa chất, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được Bộ TN&MT giao thực hiện các công việc để triển khai công tác lập Hồ sơ Luật Khoáng sản (sửa đổi). Theo đó, các nội dung công việc gồm: xây dựng nội dung chính sách; đánh giá tác động của chính sách; lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật; xây dựng dự thảo Hồ sơ Luật; trình thẩm định Hồ sơ Luật; trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Luật. Trong đó, xây dựng nội dung chính sách và đánh giá tác động của chính sách là những nhiệm vụ tương đối khó khăn trong số các thành phần hồ sơ quan trọng đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Đồng thời, xây dựng chính sách nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; xây dựng chính sách đồng bộ từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Việc xây dựng chính sách nhằm kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn phù hợp, đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới để vận dụng phù hợp với điều kiện của nước ta; bảo đảm tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về địa chất, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Các chính sách đang được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xây dựng và đánh giá tác động sẽ tập trung vào những vướng mắc cần tháo gỡ của Luật Khoáng sản 2010 và bám sát theo các nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/TW. Từ đó, góp phần đảm bảo quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, trong đó có khoáng sản, theo nguyên tắc thị trường; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII (2/2021) đã chỉ rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi): Sớm hoàn thiện đánh giá tác động chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO