Một trong những nguyên nhân khiến Tổng cục đề xuất đổi tên gọi của Luật là Luật Địa chất và Khoáng sản, đó là: Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Luật Khoáng sản năm 2010 chỉ quy định nội dung công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản nhằm mục tiêu tìm kiếm, đánh giá khoáng sản phục vụ lập chiến lược, quy hoạch khoáng sản; định hướng cho hoạt động thăm dò, tiến tới khai thác khoáng sản. Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này đã bổ sung Chương III với đầy đủ quy định liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất.
Cụ thể, các quy định này gồm: điều tra cơ bản tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; điều tra địa chất tai biến, địa chất môi trường; địa chất công trình, địa chất đô thị; điều kiện địa chất khác nhằm phản ánh đúng bản chất của công tác này. Theo đó, đã bổ sung quy định nội dung quản lý Nhà nước về điều tra cơ bản địa chất theo đúng tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Ngoài ra, kết quả của công tác điều tra địa chất thời gian qua được ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế như: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khí tượng thủy văn; Du lịch; Quốc phòng - an ninh nhưng chưa có chế định pháp lý quy định cụ thể trong Luật Khoáng sản năm 2010. Do đó, Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã quy định trách nhiệm hoàn trả kinh phí Nhà nước đã đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân khi sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất phục vụ xây dựng các công trình thuộc các ngành kinh tế trên.
Bên cạnh đó, khi khảo sát địa chất để xây dựng công trình thuộc các lĩnh vực theo quy định của Luật Xây dựng như: Giao thông, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp... đã làm rõ thông tin, dữ liệu địa chất công trình thuộc phạm vi dự án, có giá trị về địa chất, là cơ sở để tổng hợp, xây dựng tài liệu địa chất chuyên đề (địa chất công trình, địa chất thủy văn) sử dụng định hướng quy hoạch các ngành khác và thiết kế xây dựng công trình tương tự nhưng chưa được lưu trữ, quản lý tập trung, thống nhất mà do các chủ đầu tư, cơ quan thẩm định quản lý phân tán, chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực.
Do đó, dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã khắc phục tình trạng này, đã quy định nghĩa vụ của các chủ đầu tư công trình xây dựng phải nộp vào lưu trữ địa chất kết quả khảo sát địa chất nhằm quản lý tập trung, thống nhất, đồng thời quy định đầy đủ trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về địa chất cũng như tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, tổng hợp, cung cấp, khai thác thông tin, dữ liệu này.
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Luật Khoáng sản năm 2010 mới chỉ điều chỉnh các quy định liên quan đến công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản (điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản), còn các công việc về điều tra địa chất tai biến, địa chất môi trường, địa chất công trình... chỉ được coi như là một dạng công việc đi cùng với công tác lập bản đồ và điều tra khoáng sản, chưa phản ánh đúng bản chất của công tác điều tra cơ bản địa chất.
Luật cũng chưa quy định nội dung quản lý Nhà nước đối với tài nguyên địa chất khác, đặc biệt là quy định nhằm thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW. Do đó, cần thiết phải bổ sung đầy đủ các quy định để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất, về thông tin, dữ liệu địa chất trong quy định của Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Ngoài việc bổ sung các quy định liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản như trên, Luật Khoáng sản (sửa đổi) cũng rà soát những quy định của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản năm 2010 có tính khả thi, ổn định thời gian qua liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhất là cát, sỏi lòng sông; rà soát bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản.
Với việc Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã bổ sung phạm vi điều chỉnh là hoạt động điều tra cơ bản địa chất, bổ sung các chế định pháp lý sẽ tạo điều kiện quản lý chặt chẽ, đầy đủ, bao quát các mối quan hệ liên quan công tác này không chỉ trong nội dung Chương III mà còn xuyên suốt các điều khoản có liên quan của toàn bộ dự thảo Luật. Do đó, việc đổi tên Luật Khoáng sản thành Luật Địa chất và Khoáng sản là cần thiết để bao hàm đầy đủ phạm vi, đối tượng áp dụng cũng như các quy định liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất như trên.