Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luận. Dự thảo luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và các nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó, tập trung vào các nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia như phạm vi, đối tượng điều chỉnh áp dụng luật, chính sách của Nhà nước và dầu khí, ưu đãi trong hoạt động dầu khí, chính sách khai thác tận thu, điều tra cơ bản về dầu khí, lựa chọn nhà thầu về dầu khí, ký kết hợp đồng dầu khí, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động dầu khí, quy định chuyển tiếp.
Bổ sung phạm vi điều chỉnh đảm bảo phù hợp với nội hàm của dự thảo Luật
Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật và đánh giá cao các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị rà soát, sắp xếp các chương, điều của dự thảo Luật để bảo đảm tính liên tục thống nhất liền mạch tạo thuận lợi trong quá trình nghiên cứu cũng như áp dụng Luật.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Trần Văn Tiến chỉ rõ, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí. Tuy nhiên hoạt động dầu khí được quy định tại khoản 11 Điều 3 dự thảo Luật bao gồm hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí và thu dọn công trình. Theo đại biểu, nội hàm của dự thảo Luật này không chỉ điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí hoạt động dầu khí mà còn điều chỉnh các nội dung như lựa chọn nhà thầu hợp đồng dầu khí, nhà thầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý Nhà nước về dầu khí. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung phạm vi điều chỉnh đảm bảo phù hợp với nội hàm của dự thảo Luật.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát về giải thích từ ngữ bảo đảm thống nhất trong luật và giữa luật này với các luật liên quan, như định nghĩa về nhà thầu, nhà đầu tư, khai thác tận thu. Đại biểu đề nghị lý giải rõ quy định tại khoản 3 Điều 12 hạn chế không cho cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí mà bắt buộc phải liên doanh với tổ chức có đủ điều kiện mới được thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.
Chỉ rõ các quy định về lựa chọn nhà đầu quy định tại Chương 3 dự thảo Luật quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần quy định cụ thể chi tiết hơn như về hình thức đảm bảo dự thầu, thời gian, hiệu lực của đảm bảo dự thầu, giá đảm bảo dự thầu cũng như việc hoàn trả đảm bảo dự thầu… Ngoài ra, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật còn có đến 26/69 Điều còn giao cho Chính phủ quy định chi tiết, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định chi tiết và cụ thể hóa các quy định đã ổn định vào ngay trong dự thảo Luật để thống nhất thực hiện về quản lý nhà nước.
Cần quy định cụ thể chính sách khai thác tận thu
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, đại biểu cho rằng các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này.
Thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà cầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Đại biểu cho rằng, đây chính là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đối với việc khai thác các mỏ này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, cần có quy định thật cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này.
Cần quy định rõ về chi phí hoạt động dầu khí
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị, đối với phần giải thích từ ngữ, cần bổ sung nội dung về chi phí hoạt động dầu khí. Cụ thể, chi phí hoạt động dầu khí là tất cả chi tiêu do nhà thầu thực hiện và gánh chịu theo chương trình công tác và ngân sách đã được phê duyệt, để tiến hành hoạt động dầu khí, được xác định và được phép thu hồi phù hợp với các quy định của hợp đồng dầu khí nhằm mục đích làm rõ chi phí liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm dầu khí không được coi là chi phí hoạt động dầu khí.
Quan tâm đến các quy định về xử lý các chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đại biểu chỉ ra rằng, tại Khoản 4 Điều 64 có quy định: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được sử dụng tiền từ việc bán phần sản phẩm dầu, khí lãi của nước chủ nhà từ các hợp đồng dầu khí trước khi xác định lãi được chia cho nước chủ nhà nộp ngân sách nhà nước để thanh toán các chi phí, nghĩa vụ. Để đảm bảo quy định về điều khoản chuyển tiếp, đảm bảo sự thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 3 Điều 69 cụ thể như sau: Việc xử lý chi phí của tập đoàn dầu khí Việt Nam theo quy định tại khoản 4 Điều 64 được áp dụng với các hợp đồng dầu khí được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực.
Đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đồng thời bày tỏ quan tâm đến quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động dầu khí.
Cụ thể, đại biểu cho rằng việc sửa khoản 3 Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ thuế suất tối thiểu từ 25 đến 50% là hợp lý. Nếu được, cần đưa ngay vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với hợp đồng dầu khí, hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, thì thuế suất là 33%, đối với hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thì hưởng thuế suất 25%, đối với các hợp đồng dầu khí khác, theo phương án 1, giao Chính phủ quyết định trong khung từ 25% đến 50%, hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở Chính phủ trình.