Dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn: “Treo” đến bao giờ?

24/05/2018 22:04

(TN&MT) - Đất đai, nhà cửa lẫn vườn tược đã kiểm kê hơn 9 năm trước, nhưng đến nay, người dân vẫn ở trong cảnh “đi không được, ở cũng không xong”.

Dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn bị tạm dừng mấy năm nay càng khiến người dân khổ sở do bị quy hoạch treo
Dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn bị tạm dừng mấy năm nay càng khiến người dân khổ sở do bị quy hoạch treo

Đó là thực trạng mà hàng ngàn hộ dân sinh sống tại phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) phải chịu đựng, kể từ khi dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn được phê duyệt quy hoạch từ năm 2009.

Điều đáng nói, khu vực này lại nằm ngay giữa danh thắng cấp Quốc gia Ngũ Hành Sơn và đã được Bộ Văn hoá, Thông tin, Thể thao vào Du lịch (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận vào năm 1990.

Viễn cảnh xây dựng một công viên văn hoá lịch sử rộng hơn 100 hecta, có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng - được cho là nơi tạo thành không gian văn hoá lịch sử “đặc sắc” cho TP. Đà Nẵng chắc có lẽ đã không còn. Thay vào đó là cảnh sống khốn khổ của hàng trăm hộ dân thuộc diện giải toả “treo” sinh sống ngay bên cạnh chân ngọn núi Kim Sơn, thuộc các tổ 1 và 2, khối Sơn Thuỷ (phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Để có kế sinh nhai qua ngày, những hộ dân nơi đây phải bám víu vào số diện tích đất bị bỏ hoang để cải tạo trồng rau. Số hộ còn lại đành đi nơi khác để làm công nhân, phụ hồ… May mắn nhất là những hộ được chuyển đi nơi khác do đã được “ưu tiên” cấp đất tái định cư (TĐC) để xây nhà.

Dẫn chúng tôi vào dãy nhà cấp 4 được lợp bằng mái tôn đã cũ kỹ, ông T.C.V (ngụ tổ 1, khối Sơn Thuỷ), kể như muốn khóc: “Như thế này thì sao mà an tâm ở được. Cả bốn bức tường cấp bốn trong nhà đều đã nứt dọc lẫn nứt ngang. Tháng trước, chúng tôi gọi đứa con trai về để viết đơn gửi lên phường, mong được sửa chữa lại mảng tường phía nhà dưới đã xiêu vẹo  nhưng cũng không được vì cán bộ trên đó nói: nhà đã kiểm định sao sửa chữa, cơi nới được”.

Vào thời điểm năm 2009, hộ ông V. được kiểm kê toàn bộ diện tích đất, nhà cửa lẫn vườn tược để phục vụ triển khai dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn.

Những ngôi nhà bị bỏ hoang nằm cạnh dãy nhà cấp bốn dẫn vào chân ngọn núi Kim Sơn, thuộc di tích Ngũ Hành Sơn
Những ngôi nhà bị bỏ hoang nằm cạnh dãy nhà cấp bốn dẫn vào chân ngọn núi Kim Sơn, thuộc di tích Ngũ Hành Sơn

“Cầm trên tay bảng tính giá trị đền bù với tổng số tiền sẽ được nhận là hơn 500 triệu đồng đã hơn 9 năm, nhưng gia đình tôi cho tới nay vẫn chưa nhận được một đồng nào. Trong vùng giải toả này, hiện chỉ có chưa tới 10 % số hộ dân may mắn được nhận đủ tiền lẫn đất tái định cư để đi nơi khác, còn khoảng 30% là những trường hợp hộ dân nào nhận được tiền nhưng chưa nhận được đất tái định cư (TĐC). Số còn lại là rơi vào cảnh chưa nhận được tiền cũng như không có đất TĐC, đành cố bám trụ ở chốn cũ này”- ông C. ngậm ngùi.

Đi dọc các tuyến đường bê tông lẫn cát sỏi dẫn vào các khu dân cư nhìn ra bờ sông Cổ Cò cạnh chân núi Kim Sơn vào những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là cảnh những dãy nhà cấp bốn nằm san sát đã xuống cấp, cạnh đó là những ngôi nhà bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

“Nhà thì còn đó nhưng cửa, đồ đạc đã được họ chuyển đi hết do may mắn được cấp đất TĐC rồi. Chỉ còn chúng tôi còn ở lại đây là khổ thôi. Sống ở một thành phố lớn, lại cạnh danh thắng cấp Quốc gia mà đường xá lại không có tên đường, số nhà”- ông V.T.T, ngụ tổ 2, khối Sơn Thuỷ nói.

Đem những thắc mắc của người dân, chúng tôi tìm đến UBND phường Hoà Hải thì được ông Huỳnh Quang Trung- Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Hải, trả lời: Theo quy định, tại những khu vực giải toả thì dân không được phép xây dựng vì đã được kiểm kê, áp giá đền bù. Đối với những hộ dân đã được kiểm kê đất và nhà cửa, người dân vẫn phải đóng thuế đất hàng năm theo quy định do họ vẫn đang còn ở và sinh hoạt hàng ngày.

Theo ông Trung, có đến hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn phường thuộc diện giải tải để phục vụ dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn. “Theo chủ trương của thành phố, dự án công viên trên đang bị tạm dừng mấy năm nay do dự án rộng, chủ đầu tư lại chưa có(?!), cộng với nguồn kinh phí thực hiện quá lớn”- ông Trung thông tin.

Đối với những trường hợp nhà ở xuống cấp nặng, theo ông Trung, người dân được thành phố cho phép sửa chữa hoặc xây dựng mới nhưng không quá 50 m2. “Những phần xây dựng thêm trên, nếu sau này giải toả, người dân sẽ không được thêm tiền đền bù theo quy định”- ông Trung cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn: “Treo” đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO