Vừa qua, báo Tài nguyên và Môi trường đăng tải bài viết: “Đắp chiếu” hơn 10 năm, tại sao TP. Hà Nội chưa thu hồi Dự án chợ Xuân La? Nội dung bài báo phản ánh chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La (nằm tại phường Xuân La, quận Tây Hồ) là Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước; liên tục xin điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án để kéo dài thời gian “ôm đất vàng”.
Cụ thể, năm 2008, Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng trúng thầu để trở thành nhà đầu tư dự án này. Giá trúng thầu dự án là 16 triệu đồng/m2; tổng giá trị trúng thầu là 46,04 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị trúng thầu phải nộp tiền sử dụng đất tạm tính theo diện tích 2.065 m2 là 33,04 tỷ đồng; hoàn trả ngân sách đầu tư xây dựng chợ Xuân La là 2 tỷ đồng và cam kết hỗ trợ ngân sách địa phương là 11 tỷ đồng. Tuy nhiên thời điểm đó, công ty mới nộp được 2 tỷ đồng tiền hoàn trả ngân sách đầu tư xây dựng chợ Xuân La và 11 tỷ đồng tiền cam kết hỗ trợ ngân sách địa phương. Số tiền còn lại thì công ty này không nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Dự án “đắp chiếu” từ năm 2008 đến năm 2017 thì chủ đầu tư lấy lý do mô hình đầu tư dự án chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại, văn phòng không còn phù hợp, hiệu quả nữa nên xin điều chỉnh mục tiêu dự án thành “Chợ dân sinh” và được UBND TP. Hà Nội chấp thuận tại Thông báo số 174/TB-UBND ngày 17/3/2017. Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng cam kết hoàn thành dự án vào Quý I/năm 2017.
Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai và chủ đầu tư đang tìm mọi cách để kéo dài thời gian, chây ì không chịu thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước để tiếp tục “ôm đất”. Trong báo cáo ngày 12/11/2021, UBND TP. Hà Nội cho biết, nhà đầu tư tiếp tục đề xuất 02 phương án để giải quyết vấn đề.
Phương án thứ nhất, dự án chợ Xuân La nằm trong số 12 chợ - trung tâm thương mại được triển khai đấu thầu theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Tuy nhiên do bất cập về cơ chế, chính sách của nhà nước nên đến nay các dự án vẫn không thể triển khai được do không có hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể nhà đầu tư thực hiện. Một số dự án đã xây dựng xong đưa vào khai thác sử dụng, bà con tiểu thương bỏ chợ, bỏ ki ốt gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp. Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng đề xuất UBND thành phố dừng thực hiện mô hình chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại, văn phòng; thu hồi các dự án và tổ chức đấu thầu lại các dự án chợ theo mô hình chợ dân sinh truyền thống.
Phương án thứ hai là xóa bỏ toàn bộ nghĩa vụ tài chính dự án với quy mô 20 tầng theo các quyết định được phê duyệt; thực hiện xây dựng dự án với quy mô 04 tầng theo Thông báo số 174/TB-UBND ngày 17/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội; cho phép công ty thực hiện điều chỉnh nộp tiền sử dụng đất một lần sang nộp tiền sử dụng đất hàng năm; được khấu trừ số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước cho các khoản nghĩa vụ tài chính phải nộp của dự án và không bị phạt chậm nộp nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Công ty cam kết hoàn thành ngay nghĩa vụ tài chính sau khi được UBND thành phố chấp thuận phương án đề xuất nêu trên.
Thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các sở, ngành và có văn bản số 4310/KH&ĐT-NNS ngày 08/10/2021 gửi UBND quận Tây Hồ đề nghị rà soát, cho ý kiến về các phương án của nhà đầu tư, sau đó sẽ tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định.
Điều đáng nói ở chỗ, hiện các quy định xử lý đối với những dự án chậm triển khai rất cụ thể, rõ ràng nhưng có vẻ như UBND TP. Hà Nội đang muốn chạy theo doanh nghiệp khi hơn 10 năm qua, thay vì thu hồi dự án theo quy định, thành phố vẫn kiên trì nghiên cứu và chấp thuận các phương án mà chủ đầu tư đề xuất. Chỉ có điều kết quả xử lý vẫn chưa đi đến đâu.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin