Dự án chậm tiến độ sử dụng đất: Hoàn thiện chính sách để xử lý
(TN&MT) - Thời gian qua, tại một số địa phương trên cả nước, tình trạng dự án chậm tiến độ sử dụng đất đã phát sinh và mang lại nhiều hệ lụy, trở thành rào cản, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần phải có những giải pháp xử lý, tháo gỡ nhằm giải phóng nguồn lực đất đai để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Xử lý đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai
Theo Vụ Đất đai (Bộ TN&MT), qua thống kê, kiểm kê đất đai và tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, vẫn còn tình trạng nhiều dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng; công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, xử lý đối với các dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng tại địa phương còn chưa được chú trọng, còn ít và chưa hiệu quả; chế tài xử lý vi phạm còn yếu, chưa đủ sức răn đe; các giải pháp, biện pháp xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả... gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Để đôn đốc, chỉ đạo xử lý đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 về "Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai"; trên cơ sở báo cáo của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Kết quả đã rà soát, thống kê được 3.424 dự án, công trình với tổng diện tích là 151.321,72ha đất đã giao, cho thuê, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng không được sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Trong đó đã phân loại: Dự án, công trình đã có quyết định giao, cho thuê đất là 2.333 dự án, với tổng diện tích là 105.046,70ha; Dự án, công trình đã có thông báo thu hồi đất nhưng chưa thực hiện là 381 dự án, với tổng diện tích 38.501,52ha; Dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư hoặc chủ trương đầu tư là 710 dự án, với tổng diện tích là 7.773,50ha.
Tiếp đó, năm 2021, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 7352/BTNMT-TCĐĐ yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo số liệu các dự án chậm còn vướng mắc chưa xử lý. Kết quả tổng hợp trên địa bàn cả nước còn hơn 1.250 dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng (còn vướng mắc chưa xử lý).
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Vụ Đất đai cho rằng do năng lực của nhà đầu tư còn yếu kém (không đủ năng lực tài chính và nguồn lực khác để thực hiện dự án); mục đích của các chủ đầu tư là xin dự án để chiếm giữ đất nhằm đầu cơ chờ tăng giá, chuyển nhượng dự án (lấy lý do xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án nhiều lần dẫn đến kéo dài tiến độ thực hiện dự án). Việc chấp hành pháp luật đất đai, pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng và các pháp luật khác có liên quan chưa được đầy đủ, kịp thời, còn có vi phạm; chưa tích cực phối hợp để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án còn vướng tranh chấp, khiếu kiện chưa được giải quyết dứt điểm.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, việc thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư chưa chặt chẽ dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc với mục đích xin dự án chiếm giữ đất để đầu cơ, chờ tăng giá, chuyển nhượng dự án. Trong quá trình xử lý thì cho phép điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư nhiều lần (thực hiện theo Luật Đầu tư, Luật Xây dựng...) để chủ đầu tư né tránh, kéo dài việc vi phạm chậm tiến độ sử dụng đất.
Đặc biệt, chưa kịp thời, kiên quyết trong việc rà soát, kiểm tra, xử lý đối với các dự án có vi phạm về chậm tiến độ sử dụng đất (nhiều dự án đã thanh tra và ban hành kết luận từ những năm 2018, 2019 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định xử lý dứt điểm.
Về chính sách pháp luật, Vụ Đất đai cho rằng, quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng... còn chồng chéo, bất cập gây khó khăn cho việc thực hiện dự án đầu tư. Quy định về điều chỉnh, gia hạn dự án đầu tư, chấm dứt dự án đầu tư theo Luật Đầu tư và quy định về xử lý dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo Luật Đất đai còn có điểm chưa cụ thể, rõ ràng, mâu thuẫn dẫn đến khó khăn trong việc xử lý.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện các quy định về điều chỉnh quy hoạch, thẩm định dự án đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng... tại nhiều địa phương còn chưa tuân thủ đúng các quy định, phát sinh nhiều thủ tục phức tạp, dẫn tới kéo dài thời gian đầu tư xây dựng.
Hoàn thiện chính sách để xử lý, tháo gỡ
Để giải quyết tình trạng này, Vụ Đất đai cho biết, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai về xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng để đảm bảo tính đồng bộ giữa các Luật Xây dựng, Đầu tư, Đất đai.
Bên cạnh đó, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, dự án bị chấm dứt đầu tư để đảm bảo xử lý được cơ bản các vướng mắc.
Đến đầu năm 2022 cả nước có 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng (còn vướng mắc chưa xử lý), với diện tích là 28.155ha, trong đó đã thu hồi đất và đã chấm dứt hoạt động dự án đối với 172/908 dự án, với diện tích là 6.922ha; đã xử lý gia hạn sử dụng đất 226/908 dự án, với diện tích là 1.719ha; đang xử lý 106/908 dự án, với diện tích là 1.206ha; chưa xử lý 404/908 dự án, với diện tích là 18.308ha.
Vụ cũng cho biết, trong năm 2024, Bộ TN&MT sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc nhằm giải phóng nguồn lực đất đai để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng trên phạm vi địa phương, đặc biệt là các dự án đã được giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai 2003 nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ sử dụng đất hoặc không đưa đất vào sử dụng.