Dự án bãi tập kết cát, sỏi Công ty Hoàng Nguyên (Nghệ An): Chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ô tô”, chính quyền “ém” tài liệu?

Đình Tiệp – Tưởng Cao| 13/09/2019 11:15

(TN&MT)- Dự án bãi tập kết cát sỏi ở bãi Cồn, thuộc xóm 2, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương mới được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận đầu tư nhưng đã ồ ạt thi công hạ tầng. Việc làm này khiến nhiều người dân địa phương không đồng tình và có đơn phản ánh. Khi PV tiếp cận hồ sơ dự án thì chính quyền cố tình “vòng vo” và nói không đúng sự thật.

Theo đơn phản ánh gửi tới Báo TN&MT, nhiều người dân ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương đang rất lo lắng việc chính quyền cho Công ty TNHH Hoàng Nguyên xây dựng bãi tập kết cát sỏi trên địa bàn, sau này sẽ vô tình tiếp tay cho việc khai thác cát sỏi “lậu”. Doanh nghiệp này còn làm đường từ bãi cát sỏi lên đấu nối vào đường 7A (tại km 37) nhưng chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng; việc đấu nối vào còn làm hư hỏng kết cấu quốc lộ 7A và dễ gây tai nạn giao thông. Chưa kể, việc mở đường này là do chính quyền tự quyết, nhân dân và cán bộ không nhất trí vì không có nghị quyết của Đảng ủy và cũng không thông qua HĐND xã. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp cũng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chính quyền đã làm việc với 31 hộ có đất và doanh nghiệp để đền bù giải phóng mặt bằng.
 

Dù chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng chủ đầu tư đã làm đường đấu nối vào quốc 7A tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Dù chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng chủ đầu tư đã làm đường đấu nối vào quốc 7A tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Theo điều tra của PV, Dự án bãi tập kết kinh doanh cát sỏi bãi Cồn ở xóm 2, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 877 ngày 25/3/2019. Quy mô diện tích 6.000m2, với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng, Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hoàng Nguyên. Dự án gồm bãi tập kết cát sỏi diện tích rộng 5.800m2, công trình phụ trợ rộng 200m2. Diện tích đất để triển khai dự án là đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ. Thời hạn hoạt động của dự án 40 năm, kể từ ngày được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo quyết định 877, đến tháng 6/2019, doanh nghiệp phải hoàn thiện các thủ tục về pháp lý. Hết năm 2019, dự án hoàn thiện xây dựng và đi vào hoạt động. UBND tỉnh giao chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Đô Lương để hoàn thành hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, bảo bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy trước khi triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/5/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 1737 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Theo quy hoạch, dự án gồm các hạng mục: nhà nghỉ ca của công nhân, nhà ăn, sân vườn, trạm biến áp, bãi tập kết cát sỏi, kè đá chân bờ sông Lam. Quyết định này, còn yêu cầu chủ đầu tư phải xin cấp phép xây dựng trước khi triển khai thi công xây dựng.
 

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện dự án đã thi công được vài tháng nay, doanh nghiệp đã tiến hành trả tiền đất nông nghiệp cho các hộ dân để san lấp mặt bằng, xây dựng bờ kè và làm đường từ dự án nối với quốc lộ 7A. Con đường này dài gần 1km, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 7m, hiện thi công đã gần xong. Công ty TNHH Hoàng Nguyên còn thông báo, do tự bỏ tiền làm đường nên sau này, đơn vị nào vào đầu tư mới ở khu vực bãi Cồn có nhu cầu sử dụng đường thì phải đóng góp 50% kinh phí theo dự toán mà công ty đã đầu tư.

Ông Hoàng Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương nói, để thực hiện dự án, chính quyền đã tổ chức họp lấy ý kiến của hơn 30 hộ dân. Doanh nghiệp đã bỏ tiền đền bù 6.000m2 đất nông nghiệp của 31 hộ. “Tất cả mọi thủ tục về đất đai, xây dựng đã xong. Có phê duyệt của tỉnh, của huyện. Còn mở đường do trước đây là đường dân sinh, bây giờ mở rộng và nâng mặt đường lên thôi. Còn thủ tục đấu nối đường thì doanh nghiệp đã làm thủ tục xin phép rồi, ký tá hết rồi” - Ông Tuấn khẳng định.

Chúng tôi đã hai lần đề nghị được xem hồ sơ, thủ tục của dự án thì ông Chủ tịch UBND xã trả lời: “Dự án có quyết định của tỉnh và đã thu hồi, đền bù đất cho dân rồi. Thủ tục lưu ở UBND xã nhưng Phóng viên hỏi để làm gì? Về thủ tục khẳng định là đủ, không có vấn đề gì. Có quyết định của tỉnh, đền bù cho dân rồi doanh nghiệp mới dám triển khai làm. Người dân họ phản ánh thế là do một số người không được đền bù đất nên ghen ghét” - Ông Tuấn quả quyết.
 

Dù chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng chủ đầu tư đã làm đường đấu nối vào quốc 7A tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Dù chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng chủ đầu tư đã làm đường đấu nối vào quốc 7A tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Trao đổi với Phóng viên, ông Đậu Văn Chinh, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Đô Lương cũng khẳng định: Doanh nghiệp đã chi trả tiền đất nông nghiệp cho các hộ gia đình. Dự án này chỉ chưa có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa còn các thủ tục về giao đất, thuê đất, xây dựng chủ đầu tư đã hoàn thành. Còn cụ thể hơn thì các anh hãy làm việc với doanh nghiệp...

Tuy nhiên, khác với ý kiến của Chủ tịch xã Đặng Sơn và ông Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đô Lương, ông Hoàng Đức Châu, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nguyên thừa nhận: Doanh nghiệp mới nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ nên dự án chưa làm xong thủ tục về đất đai, kế hoạch bảo vệ môi trường… Do đó, dự án cũng chưa có phép xây dựng và chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Còn việc xin phép mở rộng hộ lan đường để đấu nối vào quốc lộ 7A, chủ đầu tư cũng chưa làm thủ tục xin phép.

Như vậy là việc Công ty TNHH Hoàng Nguyên triển khai xây dựng dự án bãi tập kết cát, sỏi làm vật liệu thông thường tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương nhưng không hoàn thành các thủ tục cần thiết là đã rõ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao chính quyền địa phương lại cố tình làm ngơ, dấu nhẹm thông tin về sự việc này càng khiến người dân nơi đây có sự hoài nghi về tính minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện dự án? Người dân bức xúc và gửi đơn phản ánh là hoàn toàn có cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án bãi tập kết cát, sỏi Công ty Hoàng Nguyên (Nghệ An): Chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ô tô”, chính quyền “ém” tài liệu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO