Đông Nam Bộ trước áp lực an ninh nguồn nước: Tôn dày hệ thống quan trắc tự động

TƯỜNG TÚ - NGUYỄN QUỲNH - LINH NGA| 12/11/2019 13:18

(TN&MT) - Các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đã tích cực đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường nước tự động. Kết quả quan trắc đã giúp cho các địa phương kịp thời phát hiện những diễn biến xấu về chất lượng, trữ lượng nước và đưa ra những giải pháp phù hợp để bảo vệ tài nguyên nước.

Theo Sở TN&MT Tây Ninh, từ năm 2014 đến nay, tỉnh thường xuyên thực hiện quan trắc định kỳ tại các vị trí đã được quy hoạch. Năm 2018, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 2977 về việc phê duyệt Đề án “Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020”. Nhằm giám sát môi trường nước mặt trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư 6 trạm quan trắc nước mặt tự động.

Trong năm 2020, Bộ TN&MT sẽ hỗ trợ tỉnh Tây Ninh đầu tư 2 trạm quan trắc nước mặt tại rạch Cái Bắc (thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông) và bến đò Lộc Giang (hạ nguồn sông Vàm Cỏ Động tiếp giáp với tỉnh Long An). Riêng đối với hồ Dầu Tiếng, ngoài sự giám sát của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa; hàng tháng, Sở TN&MT Tây Ninh tiến hành giám sát tại 3 điểm gồm: cửa xả ra kênh Tân Hưng, cửa xả ra kênh Tây, cửa xả ra kênh Đông.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, Sở TN&MT đã phối hợp đơn vị tư vấn thực hiện đề án “Điều tra khảo sát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới quan trắc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” và được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt vào năm 2016. Theo đó, hằng năm, đã tổ chức quan trắc chất lượng môi trường, trong đó có môi trường các sông suối, hồ chứa nước với tần suất định kỳ 1 tháng/lần hoặc 2 tháng/lần tùy vị trí.

Để tăng cường bảo vệ các hồ chứa nước sinh hoạt, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư 6 trạm quan trắc nước mặt tự động: 2 trạm tại sông Thị Vải, 1 trạm tại sông Chà Và, 1 trạm tại hồ Sông Ray, 1 trạm tại hồ Đá Đen, 1 trạm tại hồ Sông Hỏa và đang triển khai đầu tư 3 trạm quan trắc nước mặt tại hồ Châu Pha, An Hải, nước suối Chà Răng chảy về hồ Đá Đen. Dự kiến giai đoạn 2020 - 2021, sẽ đầu tư trạm quan trắc nước mặt tự động cho toàn bộ các hồ cấp nước sinh hoạt còn lại của tỉnh.

Quan trắc môi trường nước mặt trên sông Bé thuộc tỉnh Bình Dương

Theo Quy hoạch Tài nguyên nước tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, hệ thống nước mặt trên địa bàn tỉnh được chia thành 12 lưu vực. Năm 2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 1034 phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, hàng năm, Sở TN&MT thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt tại các sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy, chất lượng nước mặt tại các vị trí cấp nước năm 2019 có cải thiện hơn so với năm 2018.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT Đồng Nai tiếp tục kết hợp phương pháp quan trắc thủ công và phương pháp đo nhanh đối với một số thông số chất lượng nước để cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân biết và phòng ngừa. Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động tại một số khu vực cấp nước và khu vực nuôi trồng thủy sản để các Sở, ban, ngành, địa phương và người dân có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại.

Hiện tại, TP.HCM mới có 29 điểm quan trắc thủ công trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, 32 điểm quan trắc nước mặt kênh rạch nội thành. TP.HCM hiện chưa có trạm quan trắc nước mặt tự động nên không đánh giá, phân tích, theo dõi kịp thời diễn biến chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn. Theo Sở TN&MT TP.HCM, triển khai Đề án Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM, đến năm 2021, thành phố sẽ có 12 trạm quan trắc môi trường nước tự động. Trong đó, có 8 trạm trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, 4 trạm trên hệ thống kênh rạch.

Hiện nay, để kiểm soát chất lượng nước mặt, tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng 2 trạm quan trắc thủy văn trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ với tần suất 1 tháng/lần tại 26 vị trí trên các sông suối, kênh rạch thuộc địa bàn tỉnh, trong đó, có 4 điểm quan trắc tự động. Đồng thời, Bình Dương đã đầu tư thiết bị quan trắc tự động, duy trì việc quan trắc động thái nước dưới đất tại 37 công trình quan trắc nước dưới đất. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang đầu tư xây dựng thêm 18 công trình quan trắc nước dưới đất. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Bộ trước áp lực an ninh nguồn nước: Tôn dày hệ thống quan trắc tự động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO