Khoáng sản

Đồng Nai: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản

Nguyễn Tú (thực hiện) 23/11/2023 - 10:48

(TN&MT) - Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, tỉnh Đồng Nai đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai. Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ quan trọng này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

a1.-ong-vo-van-phi.jpg
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

PV: Xin ông đánh giá những kết quả nổi bật của tỉnh Đồng Nai sau 13 năm triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010?

Ông Võ Văn Phi: Có thể nói, Luật Khoáng sản năm 2010 đã tạo cơ sở pháp lý nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau đầu tư vốn, kỹ thuật công nghệ, thiết bị vào hoạt động khoáng sản. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cũng đã từng bước nâng cao ý thức tuân thủ quy định của pháp luật, gắn hoạt động khoáng sản với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Sau 13 năm triển khai Luật Khoáng sản năm 2010, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đi dần vào nền nếp.

Trong đó, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản được củng cố, tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản bước đầu đã có hiệu quả; góp phần giữ gìn kỷ cương, pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về khoáng sản. UBND tỉnh Đồng Nai còn chỉ đạo các sở, ngành thực hiện lập, trình phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc cấp phép thăm dò, khai thác được tuân thủ quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và Quy hoạch khai thác khoáng sản của tỉnh.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc mà Đồng Nai đã gặp phải trong quá trình triển khai Luật Khoáng sản năm 2010?

Ông Võ Văn Phi: Bên những kết quả đạt được như trên, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát sinh một số bất cập, một số quy định chưa phù hợp với Luật Đất đai, Luật Bảo về môi trường và nhất là Luật Đầu tư 2020. Ngoài ra, một số quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 không còn phù hợp với thực tế, một số quan hệ mới trong hoạt động khoáng sản phát sinh trong thực tiễn cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.

Đơn cử như thủ tục cấp giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải thực hiện như khai thác khoáng sản khác. Trên thực tế, các mỏ vật liệu san lấp thường có diện tích, trữ lượng nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, thường dưới 5 năm và có giá trị về mặt kinh tế thấp. Trong khi đó, phải làm thủ tục cấp phép khai thác như các loại khoáng sản khác, dẫn đến tổ chức, cá nhân ít đầu tư dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Vì vậy, sẽ không thể đáp ứng yêu cầu về tiến độ của dự án.

Đối với việc cấp Quyết định chủ trương đầu tư đối với các mỏ đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải chứng minh được quyền sử dụng đất mới xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi, theo Luật Đất đai, nhà đầu tư chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có chủ trương đầu tư để đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Điều này làm khó khăn cho nhà đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp quyết định chủ trương để lập hồ sơ xin khai thác khoáng sản và ký hợp đồng thuê đất.

PV: Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp nào để giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thưa ông?

Ông Võ Văn Phi: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khoáng sản, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về khoáng sản; đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ của địa phương trong công tác quản lý quy hoạch khoáng sản; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương nơi thường xuyên để xảy ra vi phạm.

Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp các tỉnh, thành giáp ranh thực hiện quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường đã ký kết. Đặc biệt, Đồng Nai sẽ tổng kết Đề án thực hiện dự án đánh giá tổng thể môi trường, tài nguyên khoáng sản và mức độ ảnh hưởng trong hoạt động cụm mỏ đá Tam Phước - Phước Tân, cụm mỏ lớn nhất tỉnh đến môi trường khu vực và sông Buông, từ đó đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường trong khai thác đá và nâng cao hiệu quả khai thác đá xây dựng. Trên cơ sở đó, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng thực hiện tại cụm mỏ đá Thiện Tân và Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO