Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo kết quả điều tra địa chất khoáng sản của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, Đồng Nai là tỉnh có các loại khoáng sản như: kim loại và phi kim loại, trong đó chỉ có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, mà đá xây dựng giữ vai trò chủ đạo, không những đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng trong tỉnh mà còn cung cấp cho các khu vực lân cận như: TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, riêng đất sét làm gạch ngói và cát xây dựng hiện tại chỉ đáp ứng một phần cho nhu cầu của tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 20/12/2016 của Tỉnh ủy Đồng Nai về tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 14-CT/TU), Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU. Đồng thời, các Sở, ngành, UBND cấp huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai.
Đồng Nai tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản - đá xây dựng. |
Trong đó, các Sở, ngành tỉnh cũng đã cùng với các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai còn cập nhật đầy đủ và kịp thời các thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, chính sách, kế hoạch chung của tỉnh Đồng Nai và các tin bài có liên quan đến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, kinh doanh vật liệu xây dựng cùng các quy định của tỉnh Đồng Nai về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã kịp thời tuyên truyền đến các Sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản biết và thực hiện các quy định, chính sách mới về khoáng sản như: Phối hợp Cục Kiểm soát Hoạt động Khoáng sản miền Nam tổ chức tuyên truyền và tập huấn triển khai Nghị định 158/2016/NĐ-CP cho các Sở ngành, UBND cấp huyện, các Phòng TN&MT, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn về những quy định mới của Nghị định 158/2016/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Đồng Nai còn chủ động tổ chức triển khai tập huấn Nghị định 158/2016/NĐ-CP tại các huyện: Thống Nhất, Long Thành, Xuân Lộc, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa; triển khai đến 150 tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên nước và khoáng sản về Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ cho hơn 230 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường giám sát
Thời gian qua, Sở TN&MT Đồng Nai đã tổng kiểm tra tất cả các mỏ đá xây dựng và phát hiện những tồn tại, thiếu sót để đề xuất giải pháp khắc phục; kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển đá; thực hiện thanh tra toàn diện các mỏ cát xây dựng đã được cấp phép theo quy định; nâng cao chất lượng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; rà soát kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái quy định.
Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai, hàng năm, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa đã ban hành các kế hoạch về việc kiểm tra hoạt động khai thác, tận thu và kinh doanh tài nguyên khoáng sản; tổ chức thành lập các đội phản ứng nhanh để tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở khai thác vật liệu san lấp và đá xây dựng trên địa bàn; thực hiện Quyết định số 4615/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Đồng Nai cũng tăng cường quản lý về hoạt động khai thác, kinh doanh cát sông trên địa bàn tỉnh. |
Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo UBND các địa phương công khai Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn các huyện, thành phố đến từng phường, xã có điểm quy hoạch khoáng sản để địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản nằm trong quy hoạch nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng khai thác trái phép.
Năm 2019, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất công tác phối hợp quản lý Nhà nước vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh và thống nhất các giải pháp triển khai thực hiện quản lý khai thác giữa 3 tỉnh - UBND 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước đã thống nhất các giải pháp quản lý hoạt động khai thác cát xây dựng vùng giáp ranh để các Sở, ngành và địa phương cũng như doanh nghiệp được hoạt động khai thác cát triển khai thực hiện.
Năm 2020, Sở TN&MT Đồng Nai đã phối hợp các Sở, ngành, các địa phương, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam tổ chức họp thống nhất nội dung báo cáo và đã có Kết luận số 246 để báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có Quyết định số 4084 ngày 30/10/2020 phê duyệt Đề cương Dự án "Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai thác khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân đến môi trường và sông Buông, đề xuất giải pháp xử lý đảm bảo môi trường" thuộc phường Tam Phước và phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Chuyển biến tích cực
Theo Sở TN&MT Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có tổng cộng 48 dự án khai thác khoáng sản đã được cấp phép hoạt động, trong đó có 47 cơ sở có hoạt động khai thác khoáng sản được cấp phép khai thác khoáng sản thuộc nhóm vật liệu xây dựng gồm: khai thác đá xây dựng, đá ốp lát, cát xây dựng, sét gạch ngói, vật liệu san lấp, Puzơlan và 1 dự án khai thác nước khoáng. Trong số 48 dự án khai thác khoáng sản có 47/48 dự án đang còn hiệu lực khai thác và 1 dự án hết hạn khai thác.
Theo nhận xét, đánh giá của Sở TN&MT Đồng Nai, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường, lập phương án ký quỹ phục hồi môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường; thực hiện đăng ký quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại, bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải và hợp đồng chuyển giao chất thải cho các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý; đồng thời, triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ngay từ những ngày đầu xây dựng cơ bản mỏ.
Sau khi Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai, các Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, các cấp ủy trực thuộc tỉnh Đồng Nai đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh, góp phần chấn chỉnh, đưa hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản có bước chuyển biến, đi vào nền nếp hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong năm 2019, Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã triển khai xây dựng Báo cáo chuyên đề về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và đã trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 308 ngày 30/1/2020. Trong đó, Báo cáo chuyên đề về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đã đánh giá sơ bộ hiện trạng môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và nêu ra được hiện trạng về không khí, tiếng ồn, nước và chất thải rắn phát sinh từ hoạt động khai thác, chế biến tại các cơ sở khai thác khoáng sản (đá xây dựng).
Để nâng cao trách nhiệm quản lý hoạt động khai thác cát, kinh doanh bến bãi theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Đồng Nai tại Chỉ thị số 14-CT/TU, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa cũng đã xây dựng kế hoạch hàng năm triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản; kiện toàn đội phản ứng nhanh kiểm tra hoạt động khoáng sản, công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương.
Cũng theo Sở TN&MT Đồng Nai, qua đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU của Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai cho thấy Chỉ thị số 14-CT/TU ngày càng phát huy hiệu quả, tính khả thi, góp phần làm chuyển biến rõ nét công tác quản lý khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo chiều hướng tích cực hơn, việc khai thác khoáng sản trái phép đã lắng dịu, không còn sôi động so với trước khi có Chỉ thị số 14-CT/TU nên cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.