Đồng Nai: Khai thác khoáng sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường

06/11/2018 14:17

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đồng Nai đã và đang phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về khai thác khoáng sản nói chung và khai thác đá xây dựng nói riêng đảm bảo ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

ks2
Đồng Nai triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững và bảo vệ môi trường

Đáp ứng nhu cầu sử dụng khoáng sản

Theo kết quả điều tra địa chất khoáng sản của Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam, thì tỉnh Đồng Nai là tỉnh có các loại khoáng sản như: khoáng sản kim loại và phi kim loại, trong các loại khoáng sản này chỉ có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó đá xây dựng giữ vai trò chủ đạo, không những đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng trong tỉnh mà còn cung cấp cho các khu vực lân cận như: TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ (không có xuất khẩu), riêng sét gạch ngói và cát xây dựng hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng một phần cho nhu cầu của tỉnh Đồng Nai.

Trên cơ sơ quy hoạch khoáng sản, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp phép 41 mỏ, chủ yếu là khoáng sản đá xây dựng, bao gồm: 32 mỏ đá xây dựng, 06 mỏ cát xây dựng, 02 mỏ sét gạch ngói, 01 mỏ vật liệu san lấp; Bộ TN&MT cấp phép 06 mỏ, bao gồm: 03 mỏ đá ốp lát, 02 mỏ Puzoland, 01 mỏ nước khoáng. Tuy hoạt động khai thác khoáng sản chỉ đóng góp nhỏ cho thu ngân sách của tỉnh Đồng Nai nhưng hoạt động khai thác đá xây dựng đã đáp ứng đủ cho nhu cầu khoáng sản để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực vực phía Nam nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng và giữ ổn định giá đá xây dựng cho khu vực theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Riêng đối với khu vực xã Phước Tân và xã Tam Phước, TP.Biên Hoà là khu vực có tiềm năng đá xây dựng lớn, và tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho 10 mỏ đá xây dựng với tổng diện tích cấp giấy phép là 394ha tổng trữ lượng đến cote -80m là trên 142 triệu m3, công suất khai thác hàng năm là 9,5 triệu m3/năm. Đặc biệt, đá xây dựng tại khu vực này có chất lượng đảm bảo sử dụng được cho các công trình trọng điểm như: sân bay, đường cao tốc, bê tông chất lượng cao nên hoạt động khai thác đá tại khu vực này đã và đang góp phần vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh phía Nam.

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, hiện nay, công nghệ khai thác chế biến đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn đang áp dụng các công nghệ truyền thống trong khai thác mỏ lộ thiên, các doanh nghiệp khai thác trên địa bàn tỉnh đều sử dụng công nghệ khai thác hở, các khâu trong khai thác đang dần được hiện đại hóa, loại bỏ những khâu phải sử dụng sức người và sử dụng phương pháp nổ mìn tiên tiến để giảm thiểu tác động môi trường. Trong trong quá trình hoạt động, các cơ sở khai thác khoáng sản cũng đã thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát và xử lý các dòng thải theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Cụ thể, để hạn chế bụi và tác động do hoạt động nỗ mìn, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã triển khai thực hiện phun nước tạo ẩm đá nguyên liệu, phun nước làm ướt đá tại hàm côn, phun sương làm ướt đá sản phẩm tại các đầu băng tải máy nghiền sàng; sử dụng ô tô bồn phun nước tuyến đường vận chuyển trong khu vực chế biến và đoạn đường chung; thực hiện trồng cây xanh xung quanh mỏ; lắp đặt biển báo nguy hiểm xung quanh mỏ; tuân thủ các quy định về hoạt động nổ mìn, sử dụng phương pháp nổ vi sai điện và phi điện kết hợp thuốc nổ anfo, nhũ tương; thường xuyên kiểm định, bảo dưỡng các thiết bị, máy móc theo định kỳ.

Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực khai trường, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng đã thực hiện thu gom nước thải sinh hoạt bằng bể tự hoại và tự thấm, thu nước mưa từ khu vực khai trường về hố thu tại moong khai thác và bơm về hố lắng, một phần được tái sử dụng cho mục đích tưới đường, hệ thống phun sương tại các máy nghiền sàng khu vực chế biến và phần còn lại thì thải ra môi trường; thực hiện đăng ký quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại, bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải và hợp đồng chuyển giao chất thải cho các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý.

Ngoài ra, các cơ sở khai thác mỏ đá còn hoàn thành việc thực hiện lắp đặt camera giám sát tải trọng tại khu vực trạm cân đá thành sản phẩm và đã kết nối truyền dẫn dữ liệu giám sát trọng tải gửi về Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai để giám sát thực hiện; chủ động liên hệ với UBND huyện, xã và phối kết hợp với các đơn vị khai thác mỏ, cơ sở sản xuất xung quanh trong khu vực để thực hiện xây dựng Ban tự quản môi trường nhằm quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường phát sinh trên tuyến đường vận chuyển chung, thực hiện khơi thông mương thoát nước hai bên đường để thuận lợi cho việc vệ sinh làm sạch tuyến đường chung.

ks1
Đồng Nai cũng có các giải pháp nhằm đảm bảo khai thác hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản

Giải pháp bảo vệ môi trường tổng thể

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nói chung và khai thác đá xây dựng tại cụm mỏ đá Phước Tân và Tam Phước đã và đang thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai. Trong đó, các chủ đầu tư khai thác các mỏ đá này đã và đang triển khai kế hoạch thực hiện bê tông tuyến đường vận chuyển nội mỏ và giải pháp vệ sinh phương tiện vận chuyển trước khi kết nối ra tuyến đường; cùng phối hợp xây dựng đường cấp phối và xây dựng hệ thống rửa xe chung để kết nối với đường chuyên dùng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã thành lập Ban tự quản vệ môi trường nhằm quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường phát sinh trên tuyến đường vận chuyển, thực hiện khơi thông mương thoát nước hai bên đường, hoàn thành tuyến đường chuyên dùng kết nối đến Quốc lộ 51 theo hình thức BOT; thực hiện khảo sát thiết kế triển khai dự án lắp đặt hệ thống giám sát bằng camera giám sát môi trường trong khu vực khai thác mỏ đá truyền dữ liệu về Sở TN&MT; tổ chức tăng cường trồng cây xanh tạo cảnh quan đẹp khu vực khai thác mỏ đá, trồng bổ sung thêm cây cảnh và cây tràm để cải thiện môi trường vi khí hậu và tạo cảnh quan tại khu vực mỏ.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai nhận định: Mặc dù các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản đã cơ bản thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác ngay từ những ngày đầu xây dựng cơ bản mỏ trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nhìn chung chưa đạt yêu cầu đặt ra, vẫn còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại khu vực cụm mỏ, còn tình trạng xe vận chuyển che chắn chưa tốt làm rơi vãi đất đá, gây ô nhiễm bụi dọc các tuyến đường vận chuyển,… làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng xung quanh.

Do đó, Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã triển khai thực hiện khảo sát hiện trạng các mỏ khai thác khoáng sản và tham mưu đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, không chỉ tập trung vào các công trình biện pháp bảo vệ môi trường tại các khu vực mỏ mà còn tiến hành các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm môi trường ra khu vực xung quanh mỏ. Trong đó, tập trung các giải pháp quản lý, kiểm soát và giảm thiểu nguồn phát sinh bụi và tạo cảnh quan khu vực khai thác trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở TN&MT Đồng Nai yêu cầu các cơ sở khai thác mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện giải pháp kiểm soát, xử lý nguồn ô nhiễm bụi từ hoạt động vận chuyển trên các tuyến đường chung, hố thu nước và đường bê tông kết nối trong khu vực chế biến ra tuyến đường chung, trồng cây xanh tạo cảnh quan đẹp, tạo môi trường đảm bảo an toàn trong khu vực hoạt động mỏ; thực hiện lắp đặt hệ thống giám sát bằng camera tại khu vực chế biến, vệ sinh phương tiện vận chuyển sản phẩm của mỏ trước khi tham gia lưu thông tiêu thụ và kết nối truyền dẫn dữ liệu về Sở TN&MT Đồng Nai để giám sát…

Nhận thấy hoạt động khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung và tại cụm Phước Tân và Tam Phước, TP.Biên Hoà nói riêng cần phải có những giải pháp khai thác tài nguyên khoáng sản một cách bền vững và bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá xây dựng. Cụ thể, nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp hoàn thành triển khai thực hiện những giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Sở TN&MT Đồng Nai cũng sẽ tổ chức thực hiện dự án đánh giá môi trường tổng thể, đánh giá ảnh hưởng của sông Buông đến khu vực cụm mỏ đá Phước Tân - Tam Phước, thực hiện dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản tại các cụm mỏ đá xây dựng này. Trên cơ sở kết quả đánh giá tài nguyên, môi trường cụm mỏ đá Phước Tân - Tam Phước, tỉnh Đồng Nai sẽ định hướng quy hoạch khoáng sản, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường tổng thể cho sông Buông và cho cả khu vực xã Phước Tân và xã Tam Phước đảm bảo khai thác hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên đá xây dựng kết hợp bảo vệ môi trường và để lại một nguồn tài nguyên khoáng sản cho thế hệ mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Khai thác khoáng sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO