Đông Khê – Hải Phòng: Có hay không việc thu hồi đất sai quy định?

30/11/2016 00:00

(TN&MT) - Trong khi người dân có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc và hiện trạng thửa đất đang sinh sống thì chính quyền lại chỉ dựa vào hồ sơ cung cấp không...

(TN&MT) - Ông Trịnh Văn Khích (trú tại khu vực lô 2, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) có đơn gửi tới Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh về việc các cấp chính quyền quận Ngô Quyền thu hồi đất của ông nhưng lại đền bù cho người khác. Ngoài ra, UBND phường Đông Khê ban hành Quyết định “cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị” đối với gia đình ông là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.
 
Theo phản ánh của ông Khích, vào năm 1991, ông được bà Nguyễn Thị Gián đồng ý để ông tới thửa đất nằm giáp ranh giữa hai phường Lạc Viên và Đông Khê hiện tại (Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 7119, địa bạ 393 do Uỷ ban hành chính tỉnh Hải Phòng cấp ngày 15/6/1956, nay thuộc phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) sinh sống ổn định cho tới nay.
 
Sau đó, TP. Hải Phòng có quy hoạch xây dựng Trụ sở Ban tiếp công dân TP. Hải Phòng và thửa đất gia đình ông đang sinh sống nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng. Biết được chủ trương của thành phố, gia đình ông Khích đã đến UBND phường để hỏi về phương án thu hồi, bồi thường... nhưng bất ngờ nhận được những văn bản trả lời của UBND phường Đông Khê và UBND quận Ngô Quyền về việc đã đền bù thửa đất này cho ba hộ gia đình khác là hộ ông Nguyễn Văn Lập, ông Trần Văn Khoăn và bà Trần Thị Biên. 
 
Ông Trần Văn Khích bên ngôi nhà sắp bị UBND phường Đông Khê cưỡng chế
Ông Trịnh Văn Khích bên ngôi nhà sắp bị UBND phường Đông Khê cưỡng chế
 
Không đồng ý với điều này, ông Khích nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng yêu cầu phải làm rõ nguồn gốc cũng như hiện trạng thửa đất gia đình ông sinh sống. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng từ phường tới quận đều khẳng định việc đòi quyền lợi đối với thửa đất gia đình ông sinh sống từ hàng chục năm nay là không có cơ sở. Không những vậy, ngày 19/10/2016 UBND phường Đông Khê đã ban hành Quyết định số 240 “về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị” dán ở cổng của gia đình ông. Mặc dù sau đó, UBND phường Đông Khê đã ban hành Quyết định số 356/QĐ-UBND, ngày 24/11/2016 về việc huỷ bỏ 240 với lí do “quá thời hạn thi hành” nhưng lại tiếp tục ban hành một Quyết định khác vào ngày 29/11/2016 cũng với lí do “xây dựng công trình không được phép xây dựng”. 
 
Theo ông Khích và người được ủy quyền là ông Nguyễn Văn Hoài cho biết thì việc UBND phường Đông Khê ban hành Quyết định cưỡng chế là bất thường bởi lẽ, gia đình ông đã sinh sống ở đây lâu năm. Bên cạnh đó, cách đây hơn 3 năm, không biết có sự nhầm lẫn nào hay không nhưng ngày 9/4/2013, UBND phường Lạc Viên (phường giáp ranh với phường Đông Khê) đã tới tận nhà ông lập Biên bản hiện trạng, xác nhận có nhà cấp 4 và nằm trên địa giới của phường Lạc Viên(?!).
 
Không những vậy, trong khi ông có giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất của bà Nguyễn Thị Gián (người cho ông thửa đất này từ năm 1991) được cấp từ năm 1956 để chứng minh quyền sở hữu của mình thì các cấp chính quyền từ phường cho tới quận không có căn cứ nào, kể cả trong các hồ sơ địa chính quản lý đất đai của phường, của HTX nông nghiệp Đông Khê cũng không chứng minh được thửa đất gia đình đang sinh sống thuộc về đất công hay đất của 3 hộ gia đình kể trên. Vì thế, ông Khích nghi ngờ có việc tạo dựng danh sách các xã viên HTX “giả” để chiếm dụng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, trong đó có gia đình ông.
 
Để làm rõ những khúc mắc trong vụ việc, phóng viên đã về phường Đông Khê (quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) tìm gặp những người có liên quan để xác minh thông tin. 
 
Làm việc với phóng viên, ông Trần Viết Đạt – Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đông Khê cho biết, HTX thành lập từ năm 1959 có sử dụng 74,3ha đất nông nghiệp. Năm 1984, HTX giao cho ba hộ: ông Nguyễn Văn Lập, ông Trần Văn Khoăn, bà Trần Thị Biên canh tác trên diện tích đất mà hiện nay ông Trịnh Văn Khích đang sử dụng.
 
Ông Trần Văn Khích khẳng định sống tại ngôi nhà này từ năm 1991 và không có tranh chấp xảy ra
Ông Trần Văn Khích khẳng định sống tại ngôi nhà này từ năm 1991 và không có tranh chấp xảy ra
 
Năm 2000, UBND quận Ngô Quyền và UBND phường Đông Khê đã đền bù xong cho ba hộ gia đình này. Tuy nhiên, khi các phóng viên đề nghị ông Đạt cho biết HTX nông nghiệp Đông Khê được cơ quan nào giao 74,3ha đất nông nghiệp thì ông Đạt nói thực tế cứ canh tác chứ không có quyết định nào giao đất, khi HTX giao đất cho các hộ canh tác cũng không có bản đồ, không có số thửa và diện tích cụ thể. Đối với những đề nghị cung cấp danh sách các xã viên sử dụng đất nông nghiệp có dấu của HTX nông nghiệp Đông Khê từ thời kỳ những năm 1980 trở lại đây thì ông Đạt không cung cấp được với lý do ông làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đông Khê từ năm 1999. Vì vậy, việc giao đất cho ba hộ gia đình trên từ năm 1984 do các đời chủ nhiệm trước thực hiện, ông chỉ là người tiếp nhận và “có sao nói vậy”.
 
Còn theo ông Trần Doãn Tú – cán bộ địa chính phường Đông Khê thì ngày 08/11/2016, UBND quận Ngô Quyền đã có Văn bản trả lời ông Khích về việc bồi thường, hỗ trợ tại lô 2, lô 3 (Khu vực giáp danh phường Đông Khê, phường Lạc Viên). Theo đó, trong hồ sơ địa chính của UBND phường Đông Khê quản lý qua các thời kỳ không có thửa đất nào mang tên bà Nguyễn Thị Gián như Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 7119 mà ông Khích cung cấp. Cũng theo văn bản trả lời này, UBND quận Ngô Quyền cho rằng hộ gia đình ông Trần Văn Khích thuộc trường hợp lấn chiếm trái phép, buộc tháo dỡ công trình mà không được đền bù.
 
Vậy nhưng theo những Văn bản mà phóng viên thu thập được, Báo cáo của HTX Nông nghiệp Đông Khê ngày 10/7/2010 khẳng định HTX Nông nghiệp Đông Khê được thành lập từ năm 1996 chứ không phải từ năm 1959 như ông Đạt thông tin và HTX cũng không có chức năng, nhiệm vụ về quản lý ruộng đất hoặc được phép giao khoán cho các hộ xã viên. Tuy nhiên, 6 năm sau, HTX Nông nghiệp Đông Khê lại có một bản Báo cáo khác số 04.B/C.HTX ngày 12/10/2016, trong đó ghi rõ có giao cho các hộ xã viên (không có sổ giao khoán) đội 2 sản xuất canh tác từ năm 1986 như sau: Số thửa 397 diện tích 473,15m2 giao cho hộ Nguyễn Văn Lập; Số thửa 371 diện tích 246,75m2 giao cho hộ Trần Văn Khoăn; Số thửa 372 diện tích 544,35m2 giao cho hộ Trần Thị Biên. Song đối chiếu với bản đồ giải thửa năm 1986 (do cán bộ địa chính phường Đông Khê cung cấp) thì lại không có các số thửa này mà là các thửa số 435, 436 và 437. Điều này thể hiện không có việc giao đất của HTX Nông nghiệp cho ba hộ Nguyễn Văn Lập, Trần Văn Khoăn và Trần Thị Biên là có sự không “rõ ràng” về nguồn gốc.
 
Về vấn đề mốc giới, ngày 10/8/2016 Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng mới có văn bản bàn giao mốc giới cho UBND phường Đông Khê. Theo Biên bản này thì thửa đất ông Trần Văn Khích đang sử dụng có tranh chấp thuộc địa giới của UBND phường Đông Khê. Nhưng trước đó, năm 2000 UBND phường Đông Khê đã xác định trước và lập danh sách đền bù cho ba hộ được kê khai là xã viên của HTX Nông nghiệp Đông Khê thuộc địa giới của UBND phường Đông Khê.
 
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Tại điểm a Khoản 1 Điều 100 quy định những trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có một trong các giấy tờ: “Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.  Do đó, để chứng minh thửa đất ông Khích đang sinh sống có thuộc đối tượng được đền bù hay không thì các cấp chính quyền TP. Hải Phòng phải vào cuộc để xác định chính xác vị trí thửa đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
 
Lê Doãn Hưng
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Khê – Hải Phòng: Có hay không việc thu hồi đất sai quy định?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO