Đông Hưng – Thái Bình "day dứt" tìm nguồn vốn sửa chữa tuyến đường ĐH 45

16/01/2018 16:52

(TN&MT) - Tuyến đường ĐH45 huyện Đông Hưng – tỉnh Thái Bình là tuyến đường rất quan trọng, đi qua địa bàn 6 xã: Đông La, Phú Lương, Liên Giang, An Châu, Mê Linh và Lô Giang, đi qua Hưng Hà và nối ra quốc lộ 39. Toàn bộ dự án cải tạo tuyến đường ĐH45 đoạn từ Cầu Rí đến trụ sở UBND xã Liên Giang có tổng mức đầu tư, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng là 12 tỷ đồng nhưng hiện nay chưa bố trí được kinh phí, mới đưa vào kế hoạch vốn của năm 2018.

Như Báo TN&MT đã phản ánh trong bài viết “Huyện Đông Hưng mòn mỏi chờ đường” hồi tháng 1/2016, đoạn đường từ Cầu Nguyễn cũ đến Cầu Rí (xã Đông La) (thuộc tuyến đường ĐH 45 huyện Đông Hưng – tỉnh Thái Bình) xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cuối năm 2015 – đầu năm 2016, UBND huyện Đông Hưng đã bố trí ngân sách để cải tạo, sửa chữa đoạn đường này với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng, gồm nguồn vốn ngân sách huyện, nguồn vốn từ quỹ bảo trì đường bộ. Đến nay, đoạn đường dài hơn 2 km này đã được cải tạo xong, nhờ đó, bà con đi lại thuận tiện hơn.

Được biết, cuối năm 2016 – đầu năm 2017, đoạn từ Cầu Rí đến đường ĐH45B nối vào trụ sở UBND xã Đô Lương xuống cấp rất nghiêm trọng, đặc biệt đoạn đường vào thôn Kim Ngọc 1. Trước tình hình đó, khoảng tháng 8/2017, Phòng Kinh tế - Hạ tầng tham mưu UBND huyện Đông Hưng kiến nghị UBND tỉnh Thái Bình cải tạo, sửa chữa cấp bách tuyển đường trên. Sau khi UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận chủ trương đầu tư, mặc dù nguồn vốn rất khó khăn nhưng huyện đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp đoạn đường này với tổng chiều dài gần 3km, tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, tiến độ thi công đoạn đường từ Cầu Rí đến đường ĐH45B đã đạt được trên 65% khối lượng công việc, đã làm xong nền đường và xây dựng cống thoát nước và dự kiến 2 tháng nữa sẽ nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Thế Vịnh – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Hưng cho biết: Dù trong quá trình triển khai cải tạo, sửa chữa đoạn đường, Ban quản lý dự án đã nhận được sự ủng hộ của các địa phương, đặc biệt là xã Liên Giang, Phú Lương và Đông La nhưng giải phóng mặt bằng (GPMB) còn gặp nhiều khó khăn. Về đền bù GPMB (đền bù tài sản cơ cấu hoa màu, đền bù đất thổ cư, đền bù đất nông nghiệp), vẫn còn một số hộ dân chưa đồng tình về kiểm đếm GPMB nên chưa thể triển khai thi công một số đoạn. Đặc biệt, về công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn như cột điện, di chuyển đường cấp nước sạch cho dân, người dân hiện nay yêu cầu các đơn vị liên quan như đơn vị cung cấp nước sạch phải đền bù GPMB trong khi đó GPMB không thuộc thẩm quyền của đơn vị này.

“Khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn chưa bố trí được, dự kiến trong năm 2018 mới bố trí được vốn và khả năng hoàn trả vốn cho nhà thầu đến giữa năm 2018 mới thanh toán được. Tuy nhiên, do cải tạo, sửa chữa cấp bách nên UBND huyện Đông Hưng vẫn quyết tâm triển khai để đảm bảo an toàn giao thông” – ông Nguyễn Thế Vịnh chia sẻ.

Đoạn đường từ Cầu Nguyễn cũ đến Cầu Rí dài hơn 2 km nay đã được cải tạo xong, nhờ đó, bà con đi lại thuận tiện hơn
Đoạn đường từ Cầu Nguyễn cũ đến Cầu Rí dài hơn 2 km nay đã được cải tạo xong, nhờ đó, bà con đi lại thuận tiện hơn

Theo ông Nguyễn Thế Vịnh, đoạn đường tiếp theo từ chỗ ĐH45 lối rẽ vào trụ sở UBND xã Đô Lương đến đường tỉnh 455 qua địa bàn Mê Linh, Lô Giang, An Châu hiện mới cải tạo được kè từ nguồn vốn phòng chống lũ báo, còn nền mặt đường vẫn đang xây dựng kế hoạch, dự kiến cuối năm 2018 – đầu năm 2019 mới triển khai.

Theo quan sát, từ khi đoạn đường từ Cầu Nguyễn cũ đến Cầu Rí được cải tạo xong, cuộc sống của người dân được ổn định và việc đi lại dễ dàng hơn. Đặc biệt, sau khi tuyến đường hình thành, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp, như Công ty TNHH May Bình Minh và một số doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn CCN Đông La.

“Trước đây, cứ đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, khoảng vài nghìn công nhân của công ty này đi làm và tan làm thường chen lấn xô đẩy do đường xấu, không đảm bảo an toàn giao thông nhưng giờ đây, công nhân đi lại dễ dàng hơn. Việc buôn bán trên địa bàn xã Đông La và một phần xã Liên Giang cũng mở mang rất nhiều” – một công nhân của Công ty TNHH May Bình Minh cho biết.

Bà Phan Thị Doan ở xã Phú Lương thường xuyên đi qua đoạn đường trên chia sẻ: “Từ khi đường được cải tạo, sửa chữa, các xe vận tải qua các xã như: An Châu, Mê Linh, Đô Lương và các em học sinh đi đến các trường học ở huyện cũng thuận lợi hơn. Phương tiện giao thông ngày càng phát triển, số lượng xe đạp điện, xe máy tăng lên rất nhiều trong khi trước đây hầu hết bà con đi xe đạp hoặc đi bộ do đoạn đường quá xấu”.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có liên quan cần hỗ trợ vốn cho các địa phương đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt mạng lưới giao thông nông thôn nhằm ổn định cuộc sống người dân Đông Hưng nói riêng và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường ĐH 45 nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Hưng – Thái Bình "day dứt" tìm nguồn vốn sửa chữa tuyến đường ĐH 45
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO