Động đất ở Kontum: Tiên định sớm các tai biến địa chất
(TN&MT) - Hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum và các vùng lân cận đã được một số nghiên cứu xác định là động đất kích thích khi các hồ thủy điện tích nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ rõ, cần lưu tâm các đặc điểm địa chất, kiến tạo và hoạt động dân sinh, tiên định sớm các tai biến có thể xảy ra nhằm giảm thiểu rủi ro.
Động đất kích thích xuất hiện song hành cùng sự phát triển nhà máy thủy điện
Theo Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2021 đến 22/4/2022, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 169 trận động đất. Riêng từ ngày 15 đến 18/4 ghi nhận 22 trận động đất mạnh 2,5 - 4,5 độ Richter. Đến nay, dù tần suất ít hơn nhưng các trận động đất vẫn tiếp tục diễn ra.
Qua tổng hợp báo cáo của UBND các địa phương, các trận động đất chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng đã làm người dân lo lắng, bất an. Đối tượng được “quan tâm” là thủy điện Kon Tum thượng mới được đưa vào tích nước vận hành vào thời điểm đó. Căn cứ vào yếu tố ngoại sinh này và đặc điểm về cường độ các trận động đất, các nhà nghiên cứu địa chấn học đã bước đầu chỉ ra nguyên nhân chính của các trận động đất là các trận động đất kích thích do quá trình tích nước của các hồ chứa thủy điện.
Các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất kích thích là hiện tượng xảy ra khi nước được bơm vào hồ thủy điện gây ra sự thay đổi áp suất và cân bằng lực trong lòng đất. Điều này có thể kích hoạt các nứt gãy và dịch chuyển các khối đá, gây ra những rung chấn. Vấn đề này đã được đề cập trong nhiều báo cáo ở Việt Nam và trên thế giới như: Trận động đất kích thích 6,3 độ Richter xảy ra ở Sichuan, Trung Quốc năm 2008 do xây dựng hồ chứa nước Zipingpu, làm chết 80.000 người; trận động đất 5,7 độ Richter xảy ra ở Oklahoma, Mỹ năm 2011 do khai thác dầu khí và trận động đất 6,3 độ Richter xảy ra ở Koyna, Ấn Độ năm 1967 do xây dựng hồ chứa nước Koyna…
Ở Việt Nam, các trận động đất kích thích có thể kể đến như: Động đất kích thích tại hồ Hòa Bình, xảy ra vào ngày 23/5/1989 có độ lớn 4,9 Richter và là trận động đất kích thích đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam. Trận động đất này được cho là do hoạt động tích nước của hồ thủy điện Hòa Bình gây ra; động đất kích thích tại hồ Sơn La vào năm 2010 và tiếp tục ghi nhận trong thời gian qua đã xảy ra hàng loạt trận động đất kích thích với cường độ từ 2,6 - 5,3 độ Richter và có thể còn tiếp diễn...
Liên quan đến động đất tại Kon Tum thời gian qua, ông Hồ Tiến Chung cho rằng, cần lưu tâm đến hoạt động núi lửa trong khoảng thời gian từ 10.000 năm trở lại đây. Không loại trừ khả năng động đất có thể gây kích hoạt núi lửa tái hoạt động. Đây là một nhiệm vụ quan trọng cần phải được triển khai nghiên cứu để đề phòng và có phương án ứng phó.
Theo các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, chúng ta đang quen dần với sự xuất hiện của các trận động đất kích thích song hành cùng với sự phát triển xây dựng và khai thác các nhà máy thủy điện trên toàn quốc trong thời gian qua. Bên cạnh những lợi ích to lớn do thủy điện đem lại, vẫn còn có nhiều những bất lợi được đề cập đến từ vấn đề về xã hội đến công trình. Một trong số đó là vấn đề động đất do kích thích.
Đề xuất nghiên cứu sâu về động đất kích thích
Nhóm tác giả thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã tiến hành đánh giá các tài liệu hiện có cũng như khảo sát, kiểm tra lại các đặc điểm địa chất, kiến tạo và tai biến địa chất trong vùng được áp dụng nhằm cung cấp bổ sung các thông tin và đề xuất các giải pháp, nghiên cứu sâu về động đất kích thích.
Kết quả chỉ ra, ngoài các nguy cơ về động đất kích thích mang yếu tố nội sinh, biểu hiện của các hoạt động ngoại sinh cũng được ghi nhận trong các báo cáo điều tra trước đó. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra các định hướng nghiên cứu tiếp theo nhằm giảm thiểu rủi ro nói chung và giải quyết giảm thiểu rủi ro tai biến địa chất do động đất gây ra tại Kon Tum và các khu vực lân cận.
Theo ông Hồ Tiến Chung - Phó phòng phụ trách Phòng Kiến tạo và Địa mạo, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cần tiếp tục quan trắc để có những đánh giá chi tiết hơn về vấn đề động đất kích thích. Theo đó, trong thời gian tới, cần xem xét bổ sung các điều tra, nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ hoạt động kiến tạo trong vùng và mối liên quan giữa hoạt động kiến tạo với tai biến địa chất, lũ ống, lũ quét và các hoạt động dân sinh trong vùng.
Cụ thể, cần bổ sung các trạm quan trắc động đất tại các vùng có nguy cơ cao, khu tập trung dân cư, các công trình trọng điểm quốc gia; triển khai nghiên cứu, đánh giá mức độ tác động của các trận động đất đến các hiện tượng trượt lở, lũ quét trong khu vực; triển khai nghiên cứu, đánh giá sự tồn tại của các đứt gãy hoạt động và mức độ an toàn hồ đập trên địa bàn; nghiên cứu tai biến địa chất liên quan đến các núi lửa đang hoạt động ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam.
Ngoài ra, bên cạnh các công trình kiên cố được xây dựng theo quy định kỹ thuật, các công trình dân sinh của người dân hiện nay được “gạch ngói” hóa nhưng kết cấu thường sơ sài và không tuân theo quy định kỹ thuật. Do vậy, cần khuyến cáo về mức độ ảnh hưởng của động đất và khả năng kháng chịu của các công trình dân sinh trong vùng, tránh tổn thất về người và tài sản.
“Cần triển khai sớm nghiên cứu đánh giá các hiện tượng đứt gãy hoạt động, động đất, núi lửa vì sớm hay muộn, khi đất nước phát triển, chúng ta cũng cần quan tâm đến xây dựng các công trình lớn như điện hạt nhân, năng lượng mới,… rất cần đến việc đầu tư lực lượng đào tạo cán bộ, chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật để có thể đi trước đón đầu”, ông Hồ Tiến Chung nhấn mạnh.