(TN&MT) – Hoang mang, lo sợ là tâm lý thường trực của những người dân đang phải sinh sống gần những căn nhà nghiêng, xiêu vẹo trên địa bàn Quận Đống Đa. Bởi lẽ, những căn nhà như thế này có thể đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa mạng sống và tài sản những hộ dân sống xung quanh.
Sống trong sợ hãi!
Nhiều công trình nhà ở tại Quận Đống Đa hiện nay đang ở trong tình trạng “nguy hiểm” có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đầu tiên có thể kể đến tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng. Năm 2011, tòa nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vụ sập nhà số 49 sát bên. Hai trong ba cột dầm chịu lực của tòa nhà 51 đã bị nứt, lún nghiêm trọng, hệ thống lan can ở các tầng cũng đã hỏng nặng nhưng một số hộ dân vẫn kiên quyết bám trụ sinh sống, mặc cho tử thần có thể “ghé thăm” bất cứ lúc nào. Người dân sinh sống ở tòa nhà này đã gửi hàng chục lá đơn lên phường rồi quận trong suốt 5 năm qua nhưng vẫn không hề nhận được phản hồi nào về các phương án xây dựng lại tòa nhà.
Mới đây nhất, Báo Tài nguyên và Môi trường cũng nhận được đơn phản ánh của các hộ dân ở ngõ Trung Tả, phường Thổ Quan, Q.Đống Đa, Hà Nội về tình trạng hai nhà số 33 và số 35 đang nghiêng đè sang những nhà bên cạnh, có nguy cơ đổ sập, gây nguy hiểm đến tính mạng cho các hộ dân ở các nhà số 37, 39 và 41.
Nhà số 35, ngõ Trung Tả, P.Thổ Quan nghiêng đè sang nhà số 41. Một số điểm tiếp xúc ở phần tường tầng trên 2 ngôi nhà đã nứt, vỡ lớp vữa. Ảnh: Quyết Thắng |
Ghi nhận tại đây, hai nhà số 33 và 35 có hiện tượng nghiêng dây chuyền sang nhà số 41. Hai nhà 35 và 41 cách nhau một ngõ nhỏ rộng gần 1m. Và mặc dù ở tầng 1, tường hai nhà cách nhau gần 1m nhưng tại tầng thượng thì tường hai nhà đã chạm vào nhau, thậm chí một số điểm tiếp xúc đã nứt, vỡ lớp vữa. Không chỉ vậy, phần sau của nhà số 35 đang nghiêng về phía 2 nhà số 37, 39 trong ngõ nhỏ trong khi hai nhà này chỉ là nhà 1 tầng cấp 4, xây dựng thô sơ với 14 nhân khẩu. Nếu nhà 35 đổ xuống thì gần như chắc chắn đánh sập toàn bộ 2 nhà cấp 4 số 37, 39 và nhà số 41, đe dọa tính mạng của những người sống ở đó.
Nhận thấy những nguy hiểm có thể xảy ra, vào năm 2011, người dân đã làm đơn kiến nghị UBND phường Thổ Quan đề nghị được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì phường yêu cầu những người chịu ảnh hưởng phải “tự đi liên hệ Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý”. Nhưng rồi Sở Xây dựng trả lời không thuộc thẩm quyền của Sở mà thuộc phạm vi trách nhiệm xử lý của UBND quận Đống Đa.
Không chỉ ở phường Thổ Quan mà ở ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, Q. Đống Đa cũng xảy ra tình trang tương tự khi ngôi nhà 4 tầng ở số 177 cũng nghiêng nặng và nhiều hạng mục của ngôi nhà nói trên đã bị xuống cấp, tường bên ngoài một số chỗ bị nứt đe dọa đến những người sống ở xung quanh và người dân đi lại qua đường. Vì lẽ đó mà những người sống trong ngôi nhà này đã phải đi thuê nhà nơi khác cách đây khoảng 3 năm và căn nhà hiện đang bỏ không nhưng chưa được tháo dỡ.
Tương tự, khu chung cư G6A nằm trên đường Nguyên Hồng, phường Thành Công, (Q. Đống Đa, HN) có tình trạng 2 đơn nguyên liền kề nhau của khu nhà 5 tầng cũng bị nghiêng về 2 bên. Bằng mắt thường bất cứ ai cũng có thể thấy rõ, khoảng cách 2 đơn nguyên từ tầng 1 chỉ khoảng bằng 1 gang tay, nhưng lên tới tầng 5, hai khối nhà đã bị xô về 2 bên tạo thành hình chữ V với khoảng cách gần 1mét.
Đáng nói, đang nằm trong diện chung cư nguy hiểm cấp độ cao nhất từ nhiều năm nay, nhưng mới đây việc cơi nới, sửa chữa chung cư G6A vẫn diễn ra, thậm chí một quán cà phê mới được cơi nới, sửa chữa. Toàn bộ diện tích này đè lên phần tầng 1 của khu nhà, khiến tòa chung cư nguy hiểm lại càng nguy hiểm hơn bởi phải “gánh” thêm phần cải tạo, xây dựng mới.
Hiện trạng của tòa nhà số 51 Huỳnh Thúc Kháng ngày 8/8. Qua quan sát toàn bộ lan can tầng 1 đến tầng 4 bị hư hỏng nặng. Hai trong số 3 cột chống của tòa nhà bị nứt. Ảnh: Quyết Thắng |
Chính quyền không thờ ơ nhưng chưa quyết liệt
Tòa chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng được đánh giá là vô cùng nguy hiểm và 19 hộ dân sống tại đơn nguyên I vào năm 2011 đã phải di dời khẩn cấp. Tòa nhà này được UBND TP Hà Nội bàn giao cho Công ty CP Phát triển và Xây dựng nhà số 5 quản lý và đề xuất phương án xây dựng lại. Thế nhưng, suốt nhiều năm nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, 4 trong số 19 hộ dân bị ảnh hưởng vẫn kiên quyết bám trụ và sinh sống tại tòa nhà được đánh giá là rất nguy hiểm này. Người dân sinh sống ở tòa nhà đã gửi hàng chục lá đơn lên phường rồi quận trong suốt 5 năm qua nhưng vẫn không hề nhận được phản hồi nào về các phương án xây dựng lại tòa nhà.
Bất chất nguy hiểm, một số hộ dân ở lại đã quây tôn và gia cố hệ thống cột chống bằng khung sắt tạm thời -Ảnh: Quyết Thắng |
Còn tại ngõ Trung Tả, phường Thổ Quan, Q.Đống Đa, Hà Nội, tình trạng hai nhà số 33 và số 35 đang nghiêng đè sang những nhà khác, người dân đã làm đơn kiến nghị lên UBND phường Thổ Quan năm 2011 đề nghị được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì phường yêu cầu những người chịu ảnh hưởng phải “tự đi liên hệ Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý”. Nhưng rồi Sở Xây dựng trả lời không thuộc thẩm quyền của Sở mà thuộc phạm vi trách nhiệm xử lý của UBND quận Đống Đa. Sau đó thì phường đã thống nhất phương án là 2 nhà số 33, 35 thuê công ty TNHH xử lý lún nghiêng Việt Nam sữa chữa, nắn chỉnh toàn bộ nhưng đã 5 năm trôi qua, chủ sở hữu hai nhà này không chịu thuê với lý do chi phí cao. UBND phường và quận cũng không có động thái nhắc nhở, thúc giục hai nhà này phải nhanh chóng, khẩn trương sửa chữa, nắn chỉnh để đảm bảo an toàn.
Với trường hợp ngôi nhà 4 tầng số 177 ở ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, Q. Đống Đa, chính chủ nhân của căn nhà này đã làm đơn ra phường năm 2010, rồi lên quận nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra cách giải quyết, vì còn liên quan đến các nhà xung quanh. Năm 2015, phường Ô Chợ Dừa tổ chức họp, 4 nhà nằm sát nhau đã thống nhất đập hết đi để xây lại, nhưng đến giờ không tháo dỡ được là do chủ nhà số 181 bán cho người khác. Chủ mới không đồng ý sửa.
Thiết nghĩ, chính quyền các phường và quận Đống Đa cần quyết liệt, mạnh tay hơn trong xử lý các căn nhà nghiêng, xiêu vẹo vì nó gây tâm lý bất an và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của những hộ dân sống sống xung quanh.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bài và ảnh: Quyết Thắng