BĐKH ngày càng rõ nét
Ở nước ta, 5 tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Bằng chứng về sự xuất hiện tác động của BĐKH ở khu vực này rõ rệt nhất trong năm vừa qua.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao kéo dài đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền Bắc khiến cho hàng trăm nghìn ha đất canh tác bị hạn hán; hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm bị chết. Trong khi đó, tại Quảng Ninh xuất hiện đợt mưa lớn nhất trong lịch sử ước tính tổng giá trị thiệt hại lên đến 2.700 tỷ đồng; trong đó làm 17 người thiệt mạng, hàng trăm căn nhà sập đổ, ngập nước hàng ngàn ngôi nhà, diện tích nuôi – trồng thủy hải sản, nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị thiệt hại nặng…
Diễn đàn Đồng bằng sông Hồng 2 "Hợp tác liên tỉnh để ứng phó với BĐKH" diễn ra tại TP.Hải Phòng |
Bên cạnh đó, các hiện tượng sạt lở đất, bờ sông, bờ biển cũng xảy ra ở nhiều nơi; xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn và lấn sâu vào đất liền, trình trạng cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông ngày càng phổ biến đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của các cộng đồng dân cư ven biển phía Bắc.
Trong khi đó, trên địa bàn 5 tỉnh ven biển phía Bắc của Việt Nam có hàng trăm nghìn ha bãi triều, đầm lầy nước mặn, cồn cát và bãi bồi. Phần lớn diện tích này đang được sử dụng để làm khu vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản một cách tự phát. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh dịch đối với vật nuôi, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế; hoạt động phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản, làm mất khả năng phòng hộ, mất sự kết nối các khu vực bảo tồn ven biển để tăng cường sự bảo tồn đa dạng sinh học…
Do vậy, phát triển bền vững 5 tỉnh vùng ven biển phía Bắc trong bối cảnh những tác động tiêu cực của BĐKH mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hàng triệu người dân sống ở khu vực này và sự phát triển của toàn vùng. Một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả cần áp dụng là tăng cường phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các bãi triều, đầm lầy nước mặn, cồn cát và bãi bồi dọc theo bờ biển.
Thế nhưng, các dự án phát triển rừng ngập mặn hiện tại chưa tạo ra được các tác động mang tính tổng thể và còn thiếu sức hút đối với các hộ gia đình người dân địa phương. Điều cần thiết là phải khuyến khích người dân ở các cộng đồng ven biển phía Bắc thực hiện các hoạt động phát triển rừng ngập mặn.
Phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn
Diễn đàn Đồng bằng sông Hồng lần 2 - “Hợp tác liên tỉnh để ứng phó với BĐKH” chỉ ra tầm quan trọng triển khai dự án tăng cường phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn để ứng phó với BĐKH ở vùng ven biển miền Bắc. Diễn đàn này thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực này, và thực hiện các chiến lược, kế hoạch liên tỉnh ứng phó, nâng cao sức chống chịu với BĐKH.
Dự án thực hiện phục hồi và phát triển các khu rừng ngập mặn hướng đến việc tạo ra một vành đai xanh để bảo vệ bờ biển, chống xâm thực bờ biển và xâm nhập mặn; tăng cường đa dạng sinh học; chuyển đổi các hoạt đột nuôi trồng và đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững để đảm bảo sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống ở 5 tỉnh ven biển phía Bắc.
Tăng cường phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn để ứng phó với BĐKH ở vùng ven biển miền Bắc |
Các hoạt động trên sẽ được thực hiện dựa trên sự liên kết vùng và sinh kế thích ứng. Đồng thời, có sự kết hợp những hoạt động mang tính đầu tư trực tiếp; các hoạt động giúp cho cơ quan chính quyền tại địa phương và người dân ở cộng đồng ven biển hiểu biết tốt hơn về lợi ích của rừng ngập mặn và hệ sinh thái ven biển có liên quan trong vai trò là vùng đệm chống lại các tác động của BĐKH, áp dụng các chiến lược thích ứng sáng tạo nhằm ứng phó hoặc thích ứng với sự biến đổi của khí hậu…
Để đạt được mục tiêu trên, các giải pháp chủ yếu là rà soát và lập quy hoạch sử dụng diện tích bãi bồi, bãi triều và mặt nước ven biển của 5 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình; thực hiện giao quyền sử dụng diện tích trên cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư sống ở vùng ven biển phía Bắc; phục hồi 34.000 ha rừng ngập mặn hiện có và trồng mới khoảng 16.000 ha rừng ngập mặn tại vùng bán ngập nước, các khu vực bãi triều, bãi bồi, khu bảo tồn; hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển áp dụng các biện pháp nuôi trồng và đánh bắt thủy sản bền vững.
Tuyết Chinh