Đồng bằng sông Cửu Long: Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai

Lê Hùng| 30/08/2019 15:51

(TN&MT) - Thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, trong thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tích cực tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Trong thời gian qua, TP. Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp với các hình thức phù hợp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung, quy mô lớn cũng được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm thực hiện.

anh-1.-tap-trung-dat-dai.jpg
Việc tập trung đất đai tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất

Tính đến cuối năm 2017, tổng diện tích đất tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn TP. Cần Thơ được 13.963,19 ha, trong đó chủ yếu thông qua các phương thức nông dân liên kết thành cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 11.137,98 ha; mô hình trang trại diện tích 127,24 ha; mô hình hợp tác xã với diện tích 2.697,97 ha. Đối tượng tham gia tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình, cá nhân.

Sở TN&MT TP. Cần Thơ đánh giá, việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp đã từng bước nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các mô hình cánh đồng lớn, mô hình chăn nuôi, hợp tác xã đã mang lại hiệu quả tích cực thông qua việc cơ giới hóa trong sản xuất đạt trên 95%, các biện pháp kỹ thuật và khoa học công nghệ mới được áp dụng đồng bộ. Đồng thời, hình thành ý thức cho nông dân về hợp tác sản xuất như xuống giống đồng loạt, liên kết bán lúa sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm.

Từ năm 2017 đến nay, 14 hộ dân ở ấp Trường Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã tập trung được 14ha đất để thành lập Tổ hợp tác xã sản xuất lúa Phúc Lộc. Tổ trưởng Tổ Hợp tác xã Sản xuất lúa Phước Lộc Nguyễn Thiện Khanh cho biết: “Khi có cánh đồng lớn chúng tôi đã liên kết đầu vào, đầu ra trong sản xuất, toàn bộ sản lượng lúa của các xã viên Hợp tác xã được doanh nghiệp bao tiêu hết. Vì vậy, lợi nhuận mỗi vụ của từng xã viên cũng cao hơn và ổn định hơn trước đây”.

Tại tỉnh Sóc Trăng, ngày 10/7/2019, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách thúc đẩy tập trung đất đai thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng được áp dụng là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình cá nhân có liên quan trong việc thực hiện cơ chế tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với các hình thức tập trung đất đai gồm chuyển nhượng, thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp.

anh-2.-ung-dung-khoa-hoc.jpg
Việc ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế

Theo Sở TN&MT Sóc Trăng, căn cứ theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thì các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuộc đối tượng áp dụng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định sẽ được hỗ trợ xử lý đối với phần diện tích còn lại sau khi thỏa thuận, thực hiện hồ sơ khi thực hiện tập trung đất đai, hỗ trợ trực tiếp cho người chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn để tập trung đất đai.

Đối với tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua, địa phương này cũng quan tâm đến việc tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp và đến nay đã hình thành những cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích khoảng 5.000ha. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho rằng: “Việc tích tụ, tập trung đất đai không chỉ hướng đến mục tiêu sản suất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao mà còn thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do đó, đây là vấn đề được ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm trong thời gian tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO