Đơn thư – nhịp cầu gửi gắm niềm tin
Mặc dù đội ngũ phóng viên còn mỏng và khiêm tốn về tuổi nghề nhưng luôn gần với độc giả, được tiếp cận nhiều nguồn thông tin nóng hổi, những ý kiến phản hồi và trở thành cầu nối giữa tòa soạn và bạn đọc gần xa, được các cấp, ngành ghi nhận, đánh giá cao.
Thông qua Báo Tài nguyên & Môi trường, nhiều vấn đề bạn đọc phản ảnh hoặc gửi thư nhờ báo can thiệp, vào cuộc hoặc chuyển tải những kiến nghị chính đáng đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Người dân và một số cơ quan, tổ chức đã gửi gắm niềm tin ở Báo, vì vậy, đơn thư được gửi đến báo ngày một gia tăng.
Có nhiều đơn thư sau khi giải quyết đã nhận được sự phản hồi rất tốt từ phía bạn đọc. Trong một lần công tác tại Cao Bằng năm 2014, lãnh đạo Báo đã vô cùng xúc động khi có đôi vợ chồng thương binh già cứ nằng nặc đòi gặp để cảm ơn. Bởi, sau khi báo TN&MT đăng bài phản ánh sự việc, họ đã được cấp đất tái định cư, chấm dứt hơn 10 năm đi kiện, thoát khỏi cảnh “màn trời chiếu đất”. Một gia đình khác ở Hải Phòng đã viết thư cảm ơn vì nhờ bài điều tra của phóng viên Báo mà gia đình ông đã đòi lại được mảnh đất sau nhiều năm vướng mắc… Trong số ấy có những vụ việc, Báo giúp cơ quan chủ quản là Bộ TN&MT giải quyết dứt điểm đơn thư chất vấn, kiến nghị. Đơn cử như vụ cấp phép khai thác thiếc ở Núi Cao, Lâm Đồng. Sau khi phóng viên đi điều tra và có bài làm rõ chủ trương vì sao Bộ TN&MT tiếp tục cấp phép thăm dò mỏ thiếc tại Núi Cao cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng đã không còn chất vấn hay khiếu nại gì tới Bộ TN&MT cũng như không còn làm khó Doanh nghiệp nữa.
Phóng viên Báo Tài nguyên &Môi trường tác nghiệp tại hầm lò âm 300m hiện đại nhất Việt Nam. |
Ngoài một số vụ việc trên, nhiều vụ việc sau khi báo đăng cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc giải quyết dứt điểm. Trong số đó nhiều vụ thuộc lĩnh vực đất đai tài nguyên khoáng sản, môi trường, nước đã được giải quyết dứt điểm, cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và người dân gửi thư đến ghi nhận, tiếp thu những ý kiến phản ánh của Báo.
Mới đây nhất, thông qua đường dây nóng báo điện tử, người dân đã phản ánh tình trạng hút nước biển và bùn đất đổ vào đầm tự nhiên tại Thủy Nguyên - Hải Phòng. Sau khi bài báo ra, UBND huyện Thủy Nguyên đã yêu cầu chủ đầu tư phải làm rõ phương án thi công để cho dân biết thì mới được làm tiếp, đến nay dự án cơ bản đã đi vào hoàn thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui từ hiệu quả tuyên truyền, phóng viên bạn đọc cũng phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, nguy hiểm, nhiều khi trực tiếp đe dọa đến tính mạng. Trực tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, phóng viên bạn đọc phòng báo điện tử cũng không ít lần phải nghe những lời chửi bới, dọa nạt từ số điện thoại lạ. Có lần phóng viên văn phòng thường trú viết bài phản ánh về tình trạng khai thác cát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, một ngày đường dây nóng báo điện tử đã tiếp nhận vài chục cuộc điện thoại đến đe dọa. Mặc dù vậy, không ngại khó, ngại va chạm, khi tiếp nhận thông tin, phóng viên Báo đã hết sức bình tĩnh phân tích, giải quyết vấn đề theo đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên cũng thường bị “leo cây” khi lãnh đạo đơn vị hẹn gặp nhưng rồi lại có việc đột xuất, bất ngờ hoặc cố tình trốn phóng viên. Không ít lần, phóng viên bị từ chối, gặp sự bất hợp tác của doanh nghiệp trước những phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường. Thậm chí, có trường hợp sau khi báo đăng bài, phóng viên tiếp nhận nhiều phản ứng gay gắt từ đơn vị có liên quan cho đến lúc có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Mỗi trường hợp điều tra theo đơn thư lại có những khó khăn riêng, càng đòi hỏi phóng viên làm công tác này phải có bản lĩnh, đeo bám sự việc đến cùng.
Song cũng chính từ những đơn thư, những cuộc điện thoại qua đường dây nóng ấy mà nhiều người dân đã biết đến Báo Tài nguyên & Môi trường. Ấy chính là niềm vui và tiếp thêm lửa nghề cho phóng viên làm công tác bạn đọc.
Giữ “lửa nghề”
Thông tin từ đơn thư bạn đọc thường đa chiều trong đó có nhiều thông tin mang tính nhạy cảm. Trước thực tế ấy, giải quyết thế nào?
Ban biên tập Báo TN&MT luôn xác định không né tránh thông tin nhạy cảm nhưng vấn đề là cách khai thác, lý giải, liều lượng, lập luận làm sao để bảo đảm mang được sự thật đến bạn đọc. Bởi lãnh đạo báo luôn xác định, đã làm báo nếu né tránh thông tin nhạy cảm thì uy tín của báo sẽ giảm, tức là hiệu quả truyền thông cũng giảm theo. Việc xử lý thông tin được cẩn trọng ngay từ mỗi phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo phòng và ban biên tập.
Tâm sự về nghề, một số phóng viên phụ trách mảng bạn đọc cho rằng, nhiều khi họ cảm thấy tủi thân bởi cơ chế cho phóng viên làm bạn đọc và các phóng viên theo dõi ngành chưa thật sự công bằng. Đối với những phóng viên đi viết bài khen người thì thường được đón tiếp niềm nở, còn bài điều tra có tí “động chạm” tới cơ quan này, tổ chức kia thì thường bị né tránh hoặc gây khó dễ. Có những khi để hoàn thành công việc, phóng viên phải nhập vai nhân vật để tiếp cận hiện trường, nhiều khi nguy hiểm gần kề tính mạng. Phóng viên V.H suýt nữa bị đập máy ảnh khi đột nhập đại bản doanh khai thác cát trái phép ở Lào Cai. Song cơ chế dành cho phóng viên bạn đọc hiện chưa hơn phóng viên khác là mấy. Đó là chưa kể nhiều khi bài chưa kịp đăng đã có những cuộc điện thoại gọi đến tác động, can thiệp, nhờ vả, thậm chí nặng lời đe dọa đòi hỏi người phóng viên phải có bản lĩnh vững vàng và niềm tin vào nghề nghiệp.
Không ngại vất vả, kiên trì theo từng sự việc, mỗi phóng viên bạn đọc báo TN&MT đều hiểu rằng trong công việc của mình luôn có sự tin tưởng, giúp đỡ nhiệt tình từ bạn đọc. Với công việc thầm lặng của mình, họ luôn mong muốn cơ quan chức năng quan tâm giải quyết những bức xúc của người dân và mong muốn có được cơ chế bảo vệ khi tác nghiệp. Chính họ là nhịp cầu quan trọng giữa Báo và bạn đọc để tờ báo luôn có những thông tin nóng hổi mang hơi thở cuộc sống.
Minh Trang