Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tiếp cận tài nguyên

Trường Giang| 14/10/2021 11:09

(TN&MT) - Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, loại bỏ các rào cản trong tiếp cận các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên cho phát triển đất nước trong phát triển trước mắt và lâu dài, đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong điều kiện hội nhập, đó là một trong những mục tiêu về cải cách thể chế mà Bộ TN&MT đặt ra tại Kế hoạch về cải cách hành chính của Bộ giai đoạn 2021 - 2025 vừa được ban hành.

Theo đó, Kế hoạch nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiện đại, hội nhập, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên và môi trường; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, đổi mới, sáng tạo, trọng tâm là các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiếp cận theo mục tiêu, đánh giá dựa trên kết quả, rút gọn, lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo; cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế độ báo cáo và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành không cần thiết; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến.

Trong đó, về cải cách thể chế, Bộ sẽ tổng kết đánh giá thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bình đẳng, công khai, minh bạch, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, loại bỏ các rào cản trong tiếp cận các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên cho phát triển đất nước trong giai đoạn trước mắt và lâu dài; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong điều kiện hội nhập.

Bên cạnh đó, tổng kết đánh giá Nghị quyết số 19/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đề xuất ban hành các chủ trương mới trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu làm cơ sở chính trị cho việc hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, pháp luật.

Kế hoạch đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định, 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 35% trở lên; 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%;

Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, phân cấp phân quyền hợp lý đi đôi với kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc thực hiện, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bình đẳng, công khai, minh bạch, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.

Xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn và ứng phó với biến đổi; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong điều kiện hội nhập; đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tập trung hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để phân bổ các nguồn lực tài nguyên hài hòa lợi ích tổng thể giữa các thế hệ, giữa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo vai trò điều tiết của Nhà nước, nhưng phải đáp ứng nhu cầu thị trường…

Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hànhphải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, trọng tâm là thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường…

Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện; loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có. Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, đảm bảo đúng thực chất.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan Nhà nước kết nối, chia sẻ.

Thường xuyên kịp thời cập nhật, công khai thủ tục hành chính dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tìm hiểu và thực hiện. Vận hành và khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Ngoài ra, trong năm 2022, hoàn thành kết nối Cổng Thông tin một cửa quốc gia với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và thanh toán các khoản phí liên quan đến kiểm tra chuyên ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tiếp cận tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO