Đòn bẩy giảm nghèo ở Lạng Sơn
(TN&MT) - Thiếu vốn luôn là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo ở nhiều địa phương. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn (CSXH) đã có nhiều nỗ lực đưa nguồn vốn đến với người nghèo, giúp bà con vươn lên ổn định cuộc sống.
Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Phóng viên Báo TN& MT với ông Phan Anh Thắng - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lạng Sơn về những cách làm, kết quả của hoạt động tín dụng CSXH đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian qua.
PV: Xin ông cho biết trong thời gian qua, hoạt động tín dụng CSXH đã được đơn vị triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Phan Anh Thắng:
Để triển khai các chương trình tín dụng CSXH đến đúng đối tượng thụ hưởng, Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách đến nhân dân. Chi nhánh đã thực hiện cho vay theo phương thức uỷ thác qua các tổ chức chính trị xã hội để thực hiện một số công đoạn trong quy trình cho vay; tổ chức giao dịch phục vụ nhân dân vào ngày cố định hàng tháng tại 200 điểm giao dịch xã thuộc 200 xã phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với mạng lưới 2.060 tổ Tiết kiệm và vay vốn tại khắp các xã, phường, thị trấn.
Ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn đã được chúng tôi ủy nhiệm thực hiện một số nội dung trong quy trình cho vay, như: Tuyên truyền về tín dụng chính sách, hỗ trợ tổ viên gia nhập tổ, tiếp nhận Giấy đề nghị vay vốn, bình xét cho vay, hỗ trợ quá trình sử dụng vốn, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi, thu lãi, thu tiền gửi của tổ viên và giao dịch với Ngân hàng CSXH định kỳ vào ngày giao dịch tại trụ sở UBND xã.
Qua đó, các chương trình tín dụng chính sách đã đến được với người dân, giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách vốn yếu thế, dễ bị tổn thương được tiếp cận nguồn vốn, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, với mạng lưới hoạt động gần dân, sát dân cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch với ngân hàng; ngân hàng, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp cận, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân để có những giải pháp phù hợp, đẩy mạnh việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức, hạn chế “tín dụng đen”.
PV: Vậy từ đầu năm đến nay, hoạt động tín dụng CSXH đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông? Kết quả đó đã góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương như thế nào?
Ông Phan Anh Thắng:
Với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống Ngân hàng CSXH, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đồng bộ đến các thôn bản, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Cùng các nguồn lực khác của tỉnh, nguồn vốn này đã góp phần giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-3%/năm.
Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng là hơn 4.610.000 triệu đồng, tăng hơn 209.800 triệu đồng so với năm 2023. Doanh số cho vay trên 885.500 triệu đồng với 14.380 lượt hộ vay vốn. Trong đó, hộ nghèo hơn 1.250 lượt, hộ cận nghèo trên 1.540 lượt, hộ mới thoát nghèo hơn 1.120 hộ... Nguồn vốn vay đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư phát triển sản suất, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì việc làm trên 4.000 lao động; xây dựng được trên 7.400 công trình nước sạch và vệ sinh; hỗ trợ mua nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng mới nhà để ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP được gần 150 hộ, cho hơn 100 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, trên 110 lao động đi làm việc tại nước ngoài...
Như vậy có thể thấy rằng, các chương trình tín dụng NHCSXH triển khai đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang…
Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, bộ mặt nông thôn được cải thiện…, tạo được sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống…
PV: Trong quá trình thực hiện các chính sách, Chi nhánh có khó khăn gì và những định hướng chính mà đơn vị đề ra để nâng cao hiệu quả công tác tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là gì, thưa ông?
Ông Phan Anh Thắng:
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là hiện nay, nguồn vốn tăng trưởng tín dụng được giao của chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP và cho vay Nhà ở xã hội đến nay chưa được giao chỉ tiêu nguồn vốn.
Thứ nữa là, nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng CSXH mới đạt 5%, còn thấp so với bình quân chung toàn quốc và khu vực, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn vay của các đối tượng thụ hưởng...
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Tranh thủ huy động mọi nguồn lực từ Trung ương, địa phương để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Mục tiêu đề ra là tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ bình quân hàng năm đạt từ 10% trở lên.
Bên cạnh đó, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác trong quá trình vay vốn, tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng cung cấp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực, trình độ, kỹ năng của cán bộ trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tân tâm, tận tụy phục vụ người dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Tăng cường chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ, ứng dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử... để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!