Người Ê Đê sinh sống ở Phú Yên từ rất lâu đời, đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có trên 24 nghìn người sinh sống chủ yếu hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Ea Bar, Ea Bá, Ea Lâm, Ea Bia, Ea Trol, Ea Ly, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh; Krông Pa, Suối Trai, Ea Chà Rang, Cà Lúi huyện Sơn Hòa.
Trong phong tục, tập quán và tín ngưỡng truyền thống, người Ê Đê ở Phú Yên theo tín ngưỡng đa thần. Các nghi lễ vòng đời của người Ê Đê ở Phú Yên gồm có: lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lệ bỏ mả thì lễ cúng trưởng thành là một nghi lễ rất quan trọng trong đời người, khẳng định từ thời điểm này người đàn ông Ê Đê được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành, có thể gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình, của buôn làng. Chính vì vậy, lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân và cộng đồng. Nghi lễ này đã tồn tại hàng trăm năm qua, là một trong những nghi lễ truyền thống tiêu biểu của người Ê Đê Phú Yên.
Theo phong tục truyền thống, lễ cúng trưởng thành của người đàn ông Ê Đê Phú Yên được thực hiện trong độ tuổi tưởng thành đến trung niên, ở người đã có gia đình hoặc người chưa có gia đình. Việc cúng này do cha, mẹ sắm sửa, chuẩn bị làm lễ. Nếu cha, mẹ không có điều kiện hoặc không còn, người thân trong gia đình có thể cúng thay.
Nhận thấy những giá trị văn hóa đặc trưng và tầm quan trọng của lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ khoa học “Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên” và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là vinh dự lớn đối với cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và người Ê Đê nói riêng.
Phát biểu trong buổi lễ, ông Phan Đình Phùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh: UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận đồng đồng bào dân tộc Ê Đê thực hiện việc bảo tồn và thực hành lễ cúng trưởng thành, duy trì tổ chức nghi lễ này trong các gia đình; khuyến khích việc truyền dạy cho đội ngũ kế cận thực hành di sản; hướng dẫn các nghệ nhân lập hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” để có sự tôn vinh, ghi nhận kịp thời những đóng góp to lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị sản; tích cực tham gia các hoạt đông giao lưu văn hóa; vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, phát huy tối đa nét văn hóa truyền thống của cộng đồng, góp phần giữ gìn những bản sắc văn hóa của dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển.