Xã hội

Đổi thay nơi xã đảo giữa sông Tiền

Bạch Thanh 30/10/2023 - 12:59

(TN&MT) - Nằm giữa sông Tiền bốn bề mênh mông sóng nước, xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) còn được người dân gọi là Cồn Tàu vì nhìn từ xa trông giống như chiếc tàu nằm giữa sông. Ngày nay đến Tam Hiệp, điều gây ấn tượng nhất đó chính là sự đổi thay, bứt phá vươn lên của vùng đất này. Kể từ ngày triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đảo đã trở mình mạnh mẽ, giao thương, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

h1(1).jpg
Phà ngang sông là phương tiện duy nhất để đưa người dân và du khách từ đất liền qua lại cù lao Tam Hiệp

Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại Cồn Tàu. Trên chuyến phà ngang sông, anh bạn đồng nghiệp Hoàng Trung nói rằng: “Nghe kể lại, hơn trăm năm trước, cù lao Tam Hiệp – Cồn Tàu là nơi dừng chân của những bậc tiền nhân đến đây khai khẩn đất, lập nghiệp. Các thế hệ sau cũng lần lượt tìm đến vùng này do đất đai màu mỡ, thích hợp với trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận xã Tam Hiệp là một trong hai xã đảo của tỉnh Bến Tre”.

Đưa tay chỉ về đảo xanh giữa mênh mông sóng nước trên dòng sông Tiền rộng lớn, anh Hoàng Trung nói rằng, trước đây cứ đến 17 giờ chiều là người ở xứ đảo này phải tất bật ra bến đò để sang sông vì đây là chuyến cuối cùng. Cù lao ngày ấy rất ít trẻ được học tới nơi tới chốn do giao thông cách trở. Vì vậy, một số hộ đã gửi con bên đất liền để được đi học.

Khó khăn là vậy, nhưng vùng đất cù lao hình thành từ phù sa này được thiên nhiên ưu đãi, nên đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng trọt, nhất là với các loài cây ăn quả. Người dân trên xã đảo Tam Hiệp sống chủ yếu bằng nghề trồng nhãn, là cây đặc sản nổi tiếng của địa phương. Mấy năm nay, người dân chuyển đổi một phần diện tích đất sang trồng dừa xiêm xanh xuất khẩu, trồng cây sương sâm và các loại cây ăn quả khác.

h2(1).jpg
Tam Hiệp tập trung đầu tư xây dựng giao thông nông thôn

Quả thực, ngay khi đặt chân lên cù lao Tam Hiệp, màu xanh tươi mát từ những vườn cây như muốn bao lấy mọi người. Xe bon bon vòng quanh xã đảo đâu đâu cũng thấy màu xanh của vườn cây như dừa, nhãn, bưởi da xanh, chanh, sương sâm và nhiều loại cây trồng khác quanh năm phủ bóng mát. Dọc những tuyến đường mùa này, nhiều thương lái tất bật thu mua hàng hóa của người dân.

Là thế hệ đầu tiên về vùng đất này phát triển sản xuất sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Văn Chấn (78 tuổi) kể rằng: “Gia đình tôi từ đất liền ra đây lập nghiệp từ năm 1975 với nghề trồng lúa rồi chuyển qua trồng nhãn, cam sành. Ngày ấy, đời sống kinh tế cũng như giao thông đi lại nơi đây rất khó khăn, vất vả. Nhưng giờ đây, người dân rất vui mừng vì giao thông đã phát triển, giúp kinh tế người dân được nâng lên, cuộc sống ấm no”.

Cách đó không xa, gia đình ông Phan Văn Khởi (63 tuổi) đang canh tác gần 01ha nhãn xuồng cơm vàng. Ông Khởi cho hay, kinh tế của người dân xứ này phụ thuộc chủ yếu vào vườn cây ăn quả, nhiều gia đình trở nên khá giả có của ăn của để cũng nhờ cây nhãn, vườn dừa. Trong đó, nhãn xuồng cơm vàng được xem là cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng của địa phương. Mấy năm nay, giá nhãn tuy có bấp bênh nhưng người dân vẫn sống tạm ổn nhờ loại cây trồng này. Hiện tại, mỗi năm gia đình ông Khởi thu hoạch từ 6-7 tấn nhãn, thu về lợi nhuận khoảng hơn trăm triệu đồng.

h3(1).jpg
Nhãn là loại cây trồng giúp người dân cù lao có cuộc sống khấm khá

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vùng đất này ngoài trồng cây đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như nhãn, dừa xiêm xanh, sương sâm, thì gần đây người dân còn liên kết để phát triển du lịch sinh thái. Là thế hệ trẻ sinh ra tại xã đảo Tam Hiệp, anh Nguyễn Thanh Cường khởi nghiệp từ trồng cây sương sâm kết hợp liên kết cho khách du lịch đến tham quan. Bước đầu mô hình đạt được thành công, anh Cường đã quyết định chuyển đổi trồng cây sương sâm lấy lá vì thấy nhu cầu thị trường lớn, nhất là vào mùa nắng nóng. Gần đây, anh Cường cùng các điểm du lịch trong xã đón khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh và thưởng thức thạch sương sâm tươi ngay tại vườn.

Mấy năm nay, xã đảo Tam Hiệp được đầu tư, xây dựng đường giao thông, đê chống sạt lở, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… nên đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân được nâng lên rõ rệt. Kinh tế tập thể của xã đang từng bước hình thành, phát triển. Địa phương đang xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp và các Tổ hợp tác trồng nhãn. Hợp tác xã phối hợp Hội Nông dân xã Tam Hiệp làm hồ sơ mã số vùng trồng dừa với diện tích trên 65ha với 101 hộ dân tham gia. Từ đây sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người dân.

Làm việc với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, xã được thành lập năm 1979, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Hiện tại, địa phương đang từng bước phát triển kinh tế với thế mạnh là vườn cây ăn quả và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Trước đây tỷ lệ hộ nghèo của xã hơn 25%, hiện nay chỉ còn 5,5%, mới đây xã bình nghị hộ nghèo năm 2024 có tỷ lệ 2,29% và hộ cận nghèo tỷ lệ 2,48%. Điều đáng ghi nhận nhất là, hiện tại xã có 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, và thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/người/năm.

h4(1).jpg
Trường Mẫu Giáo tại xã Tam Hiệp

Trong câu chuyện, ông Nguyễn Hữu Thọ nói rằng, để Tam Hiệp chuyển mình phát triển, địa phương dồn sức tập trung thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí về giao thông nông thôn. Thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã rất khó khăn do vùng đất đặc thù là xứ đảo chỉ đi lại bằng đường thủy. Giao thông đường bộ chỉ có duy nhất con đường đi xuyên cù lao dài 8,4km, trong đó có 1,7km từ bến phà đến UBND xã là được thảm nhựa, còn lại toàn bộ chỉ được đổ đá hoặc là đường đất.

Và hiện tại, đường giao thông tại trung tâm xã đảo Tam Hiệp dài 8,4 km với kinh phí 27 tỷ đồng đang được đầu tư, xây dựng. Ngoài ra, dự án kè chống sạt lở kết hợp đê ngăn triều cường có tổng vốn đầu tư hơn 325 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương sẽ hoàn thành vào năm 2024. Quy mô dự án này gồm xây dựng tuyến đê bao quanh xã đảo Tam Hiệp với tổng chiều dài gần 21km, trong đó có hơn 7km gia cố mái phía sông và 67 cống trên tuyến. Dự án nhằm mục tiêu chống sạt lở bờ sông, bảo vệ mái và chân đê nhằm ngăn triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết nước tạo thuận lợi cho sản xuất trên diện tích 700ha; đồng thời bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhà cửa, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, cải thiện môi trường và góp phần ổn định đời sống cho hơn 3.270 người dân khu vực trong đê.

Kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Thọ cho hay, địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND xã Tam Hiệp về phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026. Tập trung huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng thế mạnh của xã; chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với phát triển du lịch.

Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, tập trung xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu... Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm.

Thực tế cho thấy, ngày nay cảnh quang, đường làng của xứ sở cù lao Tam Hiệp đang dần khoác lên mình chiếc áo mới, bộ mặt nông thôn đã từng bước đổi thay. Tới đây, khi mà mục tiêu nhiệm vụ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn… của địa phương được hoàn thành, xã đảo Tam Hiệp sẽ bừng lên sức sống mới, diện mạo mới, và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi bốn bề sông nước này sẽ thêm giàu đẹp, cuộc sống ấm no.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay nơi xã đảo giữa sông Tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO