Đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thu Trang| 29/08/2022 21:04

(TN&MT) - Ngày 29/8, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã có buổi họp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) và Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”.

z3681461712198_aa0b9510cdf0e695507ac5d0601dbb41.jpg
Toàn cảnh buổi họp

Ông Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, thời gian qua, UBDT đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cùng với các Bộ ngành có liên quan để thực hiện tiến hành khảo sát đánh giá, các dự án ở khung chính sách để triển khai xây dưng Đề án theo đúng tiến độ.

Căn cứ Quyết định số 277/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời, thực hiện Quyết định số 24/QĐ-BCĐCTMTQG của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về việc phê duyệt kế hoạch phối hợp triển khai Đoàn công tác của WB chuẩn bị Chương trình chính sách Phát triển hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình DPO), UBDT đã phối hợp WB triển khai Đoàn công tác nhằm thảo luận với các Bộ, ngành có liên quan tới các hành động chính sách (HĐCS) trong Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình DPO.

Thông tin về kết quả làm việc Đoàn công tác Chuẩn bị Chương trình DPO, UBDT cho biết, căn cứ kết quả thẩm định của Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) diễn ra từ ngày 11 - 21/7/2022, WB đề nghị với các cơ quan liên quan của Việt Nam bỏ 3 hành động trong số 11 hành động của Khung hành động chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 277/QĐ-TTg, cụ thể là: HĐCS số 4 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tuyển sinh học sinh DTTS trong các trường dự bị đại học; HĐCS số 8 của Bộ Nội vụ về đảm bảo bình đẳng giới trong các vị trí lãnh đạo và quản lý Nhà nước giai đoạn 2021-2030; HĐCS số 11 của UBDT về việc thiết lập quy trình giám sát, đánh giá dựa trên kết quả của Chương trình MTQG DTMN&MN.

WB cũng đề nghị UBDT tiếp tục làm việc chặt chẽ với đơn vị chủ trì HĐCS về giải pháp thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản của Bộ Y tế, đề xuất với Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết là minh chứng của HĐCS này nhằm đảm bảo thời hạn hoàn thành, muộn nhất trước thời điểm đàm phán. Việc tiến hành đàm phán khoản hỗ trợ ngân sách có thể gặp rủi ro lớn nếu như HĐCS nói trên chưa được hoàn thành, do không đảm bảo yêu cầu về mặt số lượng cũng như chất lượng của Khung hành động chính sách.

Về tiến độ chuẩn bị thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách và dự án đầu tư Chương trình DPO, UBDT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan xây dựng tài liệu khoản hỗ trợ ngân sách; đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương cho ý kiến đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của các cơ quan phụ trách nhằm đảm bảo yêu cầu về thời hạn theo quy định pháp luật của Việt Nam và nhà tài trợ, không ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị, triển khai Chương trình.

Trong khuôn khổ Chương trình DPO, dự kiến có 10 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục và 66 dự án đầu tư thuộc Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN. Để rà soát danh mục và tiến độ chuẩn bị dự án đầu tư, từ ngày 12/7 – ngày 18/8/2022, Đoàn đã làm việc với Bộ GD&ĐT và hoàn thành công tác tại 10/11 tỉnh thụ hưởng của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN (cụ thể đã làm việc với tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái).

Theo ghi nhận, các địa phương đánh giá rất cao ý nghĩa của Chương trình DPO này nhằm góp phần bổ sung nguồn ngân sách còn hạn chế và kỳ vọng rằng việc triển khai các dự án đầu tư sẽ tăng cường kết nối trên địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với các cơ hội liên kết phát triển kinh tế, việc làm, giáo dục, y tế, văn hóa, sản xuất, tiêu thụ và giao thương hàng hóa... nhằm phát huy sức mạnh tiểu vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ở những địa bàn khó khăn nhất.

Đoàn đã làm việc với Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh là cơ quan chủ quản các dự án đầu tư, các cơ quan liên quan thống nhất cam kết, nỗ lực hoàn thành các dự án đầu tư và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025, không kéo dài sang giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG DTTS&MN do Chính phủ đã phê duyệt; tập trung công tác chuẩn bị thủ tục để đảm bảo hoạt động vốn ODA cho các dự án đề xuất đảm bảo quy định, quy trình. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung trọng tâm mà Đoàn khảo sát yêu cầu. Qua đó, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA cho các dự án đề xuất ngay sau khi Chính phủ và WB phê duyệt.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã có thảo luận góp ý, đề xuất về tiến độ hoàn thành hành động chính sách, các bước làm việc tiếp theo.

Theo đó, UBDT cho biết sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với đơn vị chủ trì HĐCS Bộ Y tế, đề xuất với Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản nhằm đảm bảo thời hạn hoàn thành, muộn nhất trước thời điểm đàm phán. Bên cạnh đó, trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh tại buổi làm việc tổng kết Đoàn công tác, UBDT sẽ cập nhật, hoàn thiện Tài liệu khoản hỗ trợ NSTW cho Chương trình; gửi Bộ KH&ĐT để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương tiếp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO