Đổi mới các công cụ quản lý Nhà nước về đất đai

Thu Trang| 18/03/2021 14:58

(TN&MT) - Kết quả từ các công trình nghiên cứu khoa học về quản lý đất đai rất cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề bất cập, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Đáp ứng nhu cầu đó, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) đã đề xuất và triển khai hàng loạt những công trình nghiên cứu khoa học quản lý đất đai cấp Bộ để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng các văn bản, chính sách về quản lý Nhà nước về đất đai.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Vụ KH&CN đã chủ trì và giao các đơn vị thực hiện Chương trình “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ trong điều tra cơ bản đất đai, giám sát sử dụng đất và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai”, mã số TNMT.01/16-20 được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 2298/QĐ-BTNMT ngày 7/9/2015.

Chương trình được triển khai trong 5 năm, gồm 25 đề tài cấp Bộ, do 4 đơn vị thuộc Bộ cùng 2 đơn vị ngoài Bộ thực hiện và đã đạt được những tiêu chí nhất định như: 100% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học công nghệ có uy tín của quốc gia hoặc quốc tế; 100% các kiến nghị, giải pháp, mô hình đề xuất được Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai chấp thuận cho phép triển khai trong quản lý Nhà nước về đất đai; 50% số đề tài, dự án đào tạo hoặc góp phần đào tạo ít nhất 1 tiến sĩ hoặc thạc sĩ; 30% kết quả cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác điều tra cơ bản đất đai; giám sát tài nguyên đất và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai;…

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai

Trong giai đoạn tới, thách thức của những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường (đất, không khí, nguồn nước), suy giảm đa dạng sinh học,... đang tạo áp lực ngày càng lớn tới lĩnh vực đất đai. Quản lý đất đai với sứ mệnh quản lý một nguồn tài nguyên quý giá nhưng có hạn và có những phạm vi ảnh hưởng, tác động sâu rộng tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, để đạt được mục tiêu của ngành là phát triển công tác quản lý đất đai theo hướng hiện đại hóa, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững thì công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đất đai đã, đang và sẽ là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình hoàn thiện, hiện đại hóa ngành trong giai đoạn tới để đưa công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cho đất nước.

Chính vì vậy, theo Vụ KH&CN, giai đoạn 2021 - 2025, hoạt động nghiên cứu KH&CN lĩnh vực đất đai sẽ tập trung nghiên cứu, làm rõ cơ sở khoa học và đánh giá toàn diện những vấn đề còn đang vướng mắc, bất cập phục vụ quá trình sửa Luật Đất đai 2013 và xây dựng các văn bản dưới Luật có liên quan; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các công nghệ mới để tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngành quản lý đất đai, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chung của thế giới.

Trong thời gian tới, nội dung nghiên cứu chính sẽ tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đổi mới, hoàn thiện các công cụ quản lý Nhà nước về đất đai phục vụ hoàn thiện khung hành lang pháp lý về đất đai. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2023 sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các công cụ quản lý Nhà nước về đất đai phục vụ sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới Luật có liên quan. Giai đoạn 2023 - 2025 sẽ nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đổi mới, hoàn thiện các công cụ quản lý Nhà nước về đất đai phát sinh trong thực tiễn quản lý.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất, xây dựng và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm hoàn thiện các nền tảng cơ bản trong công tác quản lý đất đai phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bao gồm 2 phần: ứng dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra cơ bản về đất đai và hoàn thiện cơ sở hạ tầng dữ liệu đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới các công cụ quản lý Nhà nước về đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO