Độc đáo Lễ hội Gội đầu ngày 30 Tết

04/02/2019 18:10

(TN&MT) – Đã thành thông lệ, cứ vào trưa 30 Tết, người Thái Trắng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức Lễ hội Gội đầu (lễ hội Lung Ta) tại bến gội đầu bản Pom Sinh, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai. Đây là lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Thái Trắng nói chung và người Thái trắng Quỳnh Nhai nói riêng.    

Lễ hội Gội đầu (lễ hội Lung Ta) được tổ chức vào trưa 30 Tết
Lễ hội Gội đầu (lễ hội Lung Ta) được tổ chức vào trưa 30 Tết  (Ảnh: Anh Hiếu)

Lễ hội Gội đầu được tổ chức vào buổi trưa ngày 30 Tết (ngày cuối của năm cũ). Người Thái Trắng cho rằng cứ hết chiều 30 Tết là bước sang năm mới, vì thế trước khi làm nghi lễ cúng Tết, ở nhà mọi người đều phải ra sông, suối tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới thì mới được làm lễ.

Trong quan niệm của người Thái Trắng, khi hết một năm cũ, chuẩn bị bước vào năm mới, mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những vất vả, bệnh tật, điều không may mắn, xui xẻo của năm cũ, tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước. Đồng thời, cầu mong năm mới tốt lành, gặp điều hay, mùa màng bội thu.

Nguồn gốc của lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết về nữ tướng Nàng Han, một người con gái đóng giả trai để tập hợp binh mã, cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm, đoàn quân của nữ tướng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi nước ta thuộc huyện Phong thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ. Sau khi đánh thắng giặc trở về, đúng vào ngày 30 Tết âm lịch, buổi chiểu hôm đó, Nàng Han ra lệnh cho quân sĩ dừng lại bên bờ suối nghỉ ngơi, tắm gội, ăn mừng chiến thắng và đón chào năm mới. Kể từ đó, để tưởng nhớ đến nữ tướng Nàng Han, cứ chiều 30 Tết, bà con dân tộc Thái trắng lại tổ chức lễ gội đầu để cúng mừng năm mới.

là lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Thái Trắng nói chung và người Thái trắng Quỳnh Nhai nói riêng.
Lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Thái Trắng nói chung và
người Thái trắng Quỳnh Nhai nói riêng (Ảnh: Anh Hiếu)

Để lễ Gội đầu diễn ra tốt đẹp, trước đó hàng tuần, người con gái Thái đã vo gạo nếp để lấy nước, nước gạo được để trong chum hoặc nồi cất giữ cả tuần hoặc lâu hơn, để càng chua càng tốt. Đôi lúc, nước gội đầu là những hương liệu dầu quả bồ kết pha lẫn nước vo gạo, cánh hoa rừng. Chính loại nước này là một bí kíp để giúp cho mái tóc người con gái Thái đen dài, mượt mà, óng ả. Còn nước tắm của người con gái thường là nước thơm của cây mùi già.

Trước khi đi ra bờ sông, bờ suối để gội đầu, người đứng đầu bản hoặc thầy mo sẽ thắp hương trước bàn thờ tổ tiên để mời họ đi gội đầu cùng con cháu. Tiếp đó, thầy mo hoặc trưởng bản sẽ dẫn đầu người dân bản, những nam thanh nữ tú khiêng trống chiêng vừa đi vừa đánh, họ rước theo báng nước gội, tay cầm 1 cành lá dùng trong nghi thức gội đầu.

Đến bờ sông, người chủ lễ sẽ hát lên lời khấn, tiếp đó, mọi người sẽ gội đầu. Họ từ từ cúi đầu, xõa tóc xuống dòng sông, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Hành động này được cho là xua đi những gì không may mắn trong năm cũ. Sau đó, những bát nước vo gạo đã được ngâm cho chua được xối từ từ, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới. Trước khi ra về, mọi người sẽ giặt giũ sạch sẽ tất cả quần áo, váy.

Để bảo tồn, phát huy nét đẹp những giá trị văn hóa truyền thống cũng như đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, sau khi thực hiện di dân tái định cư công trình Dự án thủy điện Sơn La đến nơi ở mới tại Phiêng Lanh, UBND huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức, phục hưng lễ hội Gội đầu để tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc Thái huyện Quỳnh Nhai, đồng thời, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch, con người Quỳnh Nhai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo Lễ hội Gội đầu ngày 30 Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO