Doanh nghiệp Việt đối mặt với nhiều quy định xuất khẩu xanh
(TN&MT) - Ngày 24/11, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”. Diễn đàn nhằm tạo kênh đối thoại, tham vấn nhiều bên liên quan về thương mại xanh, định hình hướng tới tiêu chuẩn hóa chuỗi cung ứng xanh, xác định và đề xuất giải pháp và chính sách hỗ trợ trong triển khai các sáng kiến xúc tiến xuất khẩu xanh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu – trong đó có Việt Nam - cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường – ông Đỗ Hải An nhấn mạnh.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon; nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.
Các hoạt động xúc tiến thương mại đều lồng ghép trao đổi thông tin, cập nhật các thông tin mới nhất về quy định của quốc tế, chính sách pháp luật quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, các chính sách, tiêu chuẩn sản phẩm xanh. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực trong quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu và yêu cầu của các nhà mua hàng quốc tế.
Theo bà Mira Nagy - Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Kế hoạch hành động phát triển nền kinh tế tuần hoàn là trọng tâm trong Thỏa thuận Xanh châu Âu và góp phần đạt được sự trung hòa các-bon vào năm 2050. Kế hoạch công bố 36 biện pháp chính tập trung vào các ngành: Điện tử và công nghệ thông tin, ắc quy và phương tiện; bao bì và nhựa; dệt may; thi công xây dựng công trình; thực phẩm, nước và chất dinh dưỡng.
Theo đó, các chính sách kinh tế tuần hoàn của EU và nhiều chính sách khác sẽ tác động đến quy trình sản xuất nguyên liệu và sơ chế, bao gồm quy trình sản xuất ở các nước thứ ba như Việt Nam. Rõ nhất là quy đinh về ắc-quy; Chỉ thị khung thiết kế sinh thái; Chỉ thị dán nhãn năng lượng; Quy định về thiêt kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR); Chiến lược dệt may; Chỉ thị về Rác thải từ thiết bị điện và điện tử (WEEE); Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững doanh nghiệp (CSRD)... Khách hàng châu Âu sẽ yêu cầu các công ty của Việt Nam giải quyết các vấn đề hồ sơ, chứng từ chứng minh tuân thủ các quy định này.
TS. Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc nhấn mạnh, các quy định như CBAM nhằm ngăn chặn hàng hóa có phát thải các bon cao thâm nhập thị trường EU. CBAM áp dụng với các doanh nghiệp cả trong và ngoài châu Âu, bởi vậy, việc vượt qua các hàng rào xuất khẩu xanh cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thực tế, không chỉ EU đưa ra quy định về CBAM, Mỹ cũng đã có đề xuất “Đạo luật Cạnh tranh sạch” tương tự và dự kiến áp dụng bắt đầu từ năm 2024 đối với hàng hoá sơ cấp, và từ năm 2026 đối với cả hàng hoá sơ cấp và thành phẩm. Dự kiến, hàng hóa vượt mức phát thải cho phép sẽ phải trả tiền theo giá các-bon là 55 USD (năm 2024), và tăng 5% mỗi năm với điều chỉnh lạm phát. Luật áp dụng với tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trừ các nền kinh tế kém phát triển nhất. Vương Quốc Anh và Canada đang bắt đầu tham vấn giữa các bên liên quan nhằm thảo luận về cơ chế điều chỉnh carbon biên giới…
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ về xu hướng chuyển đổi trong thương mại quốc tế. Những tác động trực tiếp đến xuất khẩu trong bối cảnh thực thi CBAM; kinh tế tuần hoàn và thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi giá trị - các chính sách quan trọng của EU, Đức và những hoạt động hỗ trợ đề xuất cho các ngành xuất khẩu Việt Nam; vai trò và trách nhiệm của các TPO, BSO trong việc thúc đẩy xuất khẩu Xanh; chuyển đổi xanh trong hệ sinh thái Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam…
Đại diện hiệp hội doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất xanh, khuyến khích triển khai các mô hình chuỗi kinh tế tuần hoàn, phát triển xuất khẩu bền vững, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh trên toàn cầu. Đây là gợi ý cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành hàng trong việc thúc đẩy các sáng kiến trung hòa các-bon, kinh tế tuần hoàn, nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hướng tới tính bền vững của chuỗi cung ứng trong thời gian tới.