(TN&MT) – Giá cà phê tụt giảm liên tục khiến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai cũng giảm mạnh. Nhiều người dân tiếc nuối vì không kịp bán, còn doanh nghiệp thì hoang mang bởi lượng cà phê tích trữ mua với giá cao. Hiện tại, đã sắp giáp vụ sau nhưng giá cà phê vẫn không có dấu hiệu tăng khiến cả người trồng và doanh nghiệp thu mua mặt hàng này đều “mất ăn mất ngủ”.
Giá tụt nhanh và liên tục
Tây Nguyên là thủ phủ của cà phê với diện tích chiếm gần 90% và 92% sản lượng so với tổng diện tích và sản lượng cà phê của cả nước. Tình hình biến động giá cà phê liên tục đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu cà phê của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Nếu như đầu mùa, giá cà phê nhân nằm ở mức 41 - 42 ngàn đồng/kg thì đến nay đã liện tục tụt giảm, chỉ còn 37,5 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – chủ một cơ sở thu mua cà phê tại tổ 8, phường Đống Đa, TP. Pleiku (Gia Lai) cho biết, theo kinh nghiệm 18 năm làm trong nghề thu mua cà phê, năm nay là năm mà giá cà phê biến động nhiều nhất và rớt giá quá nhanh. Theo mọi năm, đầu vụ giá cao, đến giữa vụ sẽ giảm và cuối vụ thì tăng lại. Nhưng năm nay, giá chỉ cao lúc đầu vụ, sau đó tụt giảm nhanh và liên tục, có thời điểm xuống chỉ còn 34 ngàn đồng/kg. Hiện tại đã sắp giáp vụ nhưng giá vẫn không có dấu hiệu tăng.
Tình trạng này cũng được chị Nguyễn Thị Thanh Thùy – Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Phát Phú, xã Trà Đa, TP. Pleiku chia sẻ. Đầu mùa, công ty của chị thu mua 400 tấn cà phê nhân với giá 41 ngàn đồng/kg để tích trữ. Sau đó, công ty đã kí gửi có thời hạn gần 200 tấn cho các công ty lớn với 70% giá trị hàng hóa tại thời điểm đó để ứng tiền tiếp tục thu mua. Thế nhưng khi giá cà phê giảm mạnh liên tục, mặc dù thời hạn kí gửi chưa hết song số hàng kí gửi vẫn sẽ bị “chốt” với mức giá ở thời điểm chốt chỉ là 34 ngàn đồng/kg.
Trao đổi về việc biến động giá cà phê năm nay, ông Võ Ngọc Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH 1TV cà phê Gia Lai cho biết, giá cà phê vốn dĩ đã thất thường hơn so với nhiều mặt hàng nông sản và cây công nghiệp khác và nó chịu ảnh hưởng, biến động theo giá cả thị trường thế giới. Với 90% sản lượng xuất khẩu và chỉ 10% tiêu dùng trong nước cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê của Việt Nam không cao như các nước khác. Tuy nhiên, ông Hiếu nhận định: “Chỉ những doanh nghiệp đầu cơ tích trữ thì mới bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá như hiện nay. Thực tế, với giá khoảng trên 30 ngàn đồng/kg thì người sản xuất cà phê đã có lời”.
Doanh nghiệp “ôm” hàng chờ giá lên
Việc doanh nghiệp thu mua, tích trữ cà phê chờ giá cao để bán kiếm lời là chuyện thường thấy. Và nếu cứ theo quy luật tăng giảm giá như mọi năm thì không có gì đáng bàn. Thế nhưng năm nay, với sự biến động giá bất thường nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, thì niên vụ cà phê 2014 – 2015 khiến nhiều doanh nghiệp và cả người dân đều hoang mang vì thua lỗ. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp thu mua cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị lỗ hoặc chưa thu hồi được vốn.
“Ở mức giá như hiện nay, chúng tôi bị lỗ từ 7 - 8 triệu/tấn cà phê nhân. Đến hiện tại, công ty tôi đã bị lỗ gần 500 triệu đồng. Với lượng hàng đang có thì số tiền lỗ lên đến gần 2 tỷ đồng. Do vậy, với 200 tấn cà phê còn lại trong kho, chúng tôi sẽ tiếp tục chờ giá lên mới bán”, chị Thùy cho biết. Tại Công ty TNHH 1TV cà phê Gia Lai, hằng năm tiêu thụ từ 7000-8000 tấn cà phê. Trong đó chủ yếu là bao tiêu, nhận kí gửi sản phẩm cho bà con nông dân. Thời điểm hiện tại, Công ty vẫn còn 30% lượng hàng kí gửi trong kho. Việc bảo quản lượng hàng này cũng gặp rất nhiều khó khăn và yêu cầu phải có cơ sở hạ tầng đảm bảo. Tuy nhiên, vì giá quá thấp nên Công ty cũng chọn cách “ôm” hàng, chờ giá cao mới xuất kho.
Cũng vì giá cà phê tụt giảm liên tục và đến hiện tại vẫn không tăng nên nhiều doanh nghiệp và người dân tìm đến các “chợ đen”. Tại “chợ đen”, việc thu mua không có hóa đơn và thuế nên giá mua cao hơn giá niêm yết từ 1-2 giá. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường cà phê trở nên nhộn nhạo, khó quản lý.
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 công ty còn xuất khẩu cà phê. Tính trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh đã giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu cà phê chiếm tỷ trọng 70 – 85% kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh. Vì vậy, việc giá cà phê tụt giảm cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch xuất khẩu cà phê khiến kim ngạch xuất khẩu chung giảm xuống hơn 50% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai, sự phát triển bền vững của ngành cà phê gắn liền với sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn. Do vậy, giá cà phê xuống thấp đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến người sản xuất, doanh nghiệp thu mua và cả nền kinh tế của toàn tỉnh Gia Lai.
Quế Mai