Doanh nghiệp - doanh nhân

 Doanh nghiệp phân bón tiếp tục kiến nghị xin được chịu thuế VAT

PV 03/08/2023 - 15:47

Hai đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón dẫn đầu cả nước là Phân bón Phú Mỹ/PVFCCo và Phân bón Cà Mau/PVCFC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục có những kiến nghị mang tính cấp bách đến Quốc hội và Chính phủ về việc sớm thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật 71/2014/QH13, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 0% hoặc 5%.

77fe9628-22b0-4347-84d0-7ce879681bf4.jpeg
Phân bón Phú Mỹ 

Không phải từ bây giờ hai doanh nghiệp Phân bón Dầu khí cũng như hàng loạt các doanh nghiệp phân bón trong nước khác mới “kêu” về chính sách thuế này mà từ gần 8 năm qua, kể từ sau khi Luật thuế 71 chính thức có hiệu lực từ năm 2015 thì những bất cập, hệ luỵ đã sớm bộc lộ và các doanh nghiệp đã bắt đầu kiến nghị thay đổi.

Cụ thể, từ năm 2015 trở lại đây, mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế Giá trị gia tăng (VAT) 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT theo Luật thuế 71. Điều này dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh phân bón của các doanh nghiệp không được khấu trừ, do đó doanh nghiệp phải hạch toán phần thuế này vào phần chi phí làm cho giá thành sản phẩm tăng lên từ 5% - 8%. Kéo theo giá phân bón đến tay bà con nông dân cũng bị tăng theo. Đặc biệt là những lúc giá phân bón biến động tăng mạnh, giá cả nông sản bấp bênh như năm 2022 vừa qua thì người nông dân càng thêm khó khăn chồng chất...

Điều này đi ngược lại hoàn toàn so với mục tiêu ban đầu khi xây dựng chính sách thuế VAT phân bón của Luật thuế 71.

af2fdef6-0f72-437e-a94d-d4bd2dc5a2ac.jpeg

Kế đến, chính sách thuế VAT phân bón như hiện nay còn khiến cho ngành phân bón Việt thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ở các nước khác, do thuế VAT đối với mặt hàng xuất khẩu là 0% nên nhà sản xuất được hoàn thuế VAT đối với toàn bộ chi phí đầu vào chịu thuế VAT và giá thành sản phẩm xuất khẩu của họ không bao gồm thuế VAT của chi phí đầu vào.

Hơn nữa, do được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa. Thực tế thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước lại chịu bất công như trên.

Do đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rằng, các doanh nghiêp và ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ dần bị bào mòn, bị phân bón nhập khẩu chèn ép nếu như Luật 71 không sớm được sửa đổi!

6ae40c1c-7e9f-42bc-ae74-daaff5328c63(1).jpeg
Phân bón Cà Mau

Sau 8 năm đi vào cuộc sống, Luật thuế 71 với quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT đã bộc lộ những bất cập lớn và rất nhiều lần các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà kinh tế phản ảnh cùng với những số liệu thống kê cụ thể về những thiệt hại. Do đó, các doanh nghiệp phân bón trong nước kiến nghị cấp bách đến Quốc hội, Chính phủ sớm có những điều chỉnh, sửa đổi để chính sách thuế đối với phân bón thật sự mang lại lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông nghiệp/ người nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp phân bón tiếp tục kiến nghị xin được chịu thuế VAT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO