Doanh nghiệp FDI: Giải bài toán chuyển giá

Lưu Nguyên Sơn| 27/08/2020 21:34

(TN&MT) - Có người đã ví von, nếu doanh nghiệp FDI “hắt xì hơi” thì nền kinh tế sẽ “phát sốt”. Nói vậy để thấy được tầm quan trọng của khu vực kinh tế này đối với kinh tế Việt Nam hiện nay. Nhưng bên cạnh đóng góp to lớn đó, hoạt động của các doanh nghiệp FDI cũng đang bộc lộ những kẽ hở mà điển hình là hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, “lỗ giả”, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Năm 2019, Tổng cục Thuế đã ra quyết định truy thu 471 tỷ đồng của Coca-Cola Việt Nam do liên quan đến gian lận thuế - Ảnh minh họa

Nhiều vụ chuyển giá bị phanh phui

Sau khoảng 12 năm hoạt động, Metro Việt Nam đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại doanh nghiệp này lên hơn 301 triệu USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp này liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỷ đồng. Mặc dù lỗ, Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc.

Trước các dấu hiệu “đáng ngờ”, cơ quan thanh tra thuế đã thanh tra và xác định có hành vi chuyển giá, qua đó yêu cầu Metro Việt Nam điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng và xác định Metro Việt Nam đã có lãi trong 2 năm 2010 và 2011 với số tiền 234,8 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng bị phát hiện có hành vi chuyển giá, gian lận thuế là Coca-Cola Việt Nam. Năm 2019, Tổng cục Thuế đã ra quyết định truy thu 471 tỷ đồng tiền thuế của doanh nghiệp này gồm thuế giá trị gia tăng hơn 60 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng. Cục Thuế TP. HCM cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỷ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16/12/2019.

Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỷ đồng. Đồng thời, qua thanh tra, Tổng cục Thuế còn giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỷ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002-2006) không được chuyển lỗ hơn 202,3 tỷ đồng. Giảm thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ (tháng 12/2015) chuyển kỳ sau là hơn 72,8 tỷ đồng.

Ngoài Metro Việt Nam và Coca-Cola, Heineken cũng bị cơ quan thuế của Việt Nam truy thu 916 tỷ đồng sau thương vụ chuyển nhượng cổ phần thực hiện vào năm 2018. Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp FDI như Pepsi Việt Nam, Adidas, Keangnam Vina lần lượt bị truy thu thuế.

Gian lận chuyển giá trong đầu tư FDI không đơn thuần chỉ với mục đích trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế (hoặc nộp thuế với mức thấp); gian lận trình bày thông tin tài chính không trung thực trước các cổ đông và các bên có liên quan khi hoạt động kinh doanh thua lỗ; báo cáo không đúng lợi nhuận để không phải phân phối cổ tức, hoặc giấu diếm để giảm chi trả thù lao, lương thưởng cho nhân viên; gian lận chuyển giá có thể còn nhằm thôn tính, chiếm lĩnh thị trường; chiếm lĩnh tài nguyên thiên nhiên và một số tài sản chiến lược khác như công nghệ, thương hiệu thậm chí bành trướng và gây ảnh hưởng về ngoại giao và chính trị…

Thống kê những năm qua cho thấy, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ đã khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”. Trong số 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, có nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Tại TP. HCM, có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006-2011.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong khi doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da.

Hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua. Quy mô các khoản thu ngân sách nhà nước này không nhỏ khi các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước...

Bịt các kẽ hở pháp lý

Các chuyên gia kinh tế nhận định, vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp FDI ngày càng khó kiểm soát. Bởi những doanh nghiệp này thường dùng những thủ thuật tinh vi, rất khó phát hiện và xử lý như: Nâng giá tài sản cố định khi góp vốn đầu tư; nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp kê khai lỗ và không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam; chuyển giá thông qua hình thức chuyển giao tài sản vô hình, thường là công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý, điều hành và quản trị doanh nghiệp; hoặc thực hiện chuyển giá thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ từ công ty mẹ ở nước ngoài...

Chuyển giá đang gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh minh họa

Từ kết quả kiểm toán, đối chiếu thuế trong thời gian qua, Kiểm toán nhà nước khu vực IV cho biết đã kiến nghị xử lý truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp do đầu tư mở rộng không được ưu đãi giai đoạn 2009-2013, thuế nhà thầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp đăng ký thường trú tại nước sở tại có ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, thuế nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu… lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán này cho biết, một số kiến nghị của KTNN vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao của người nộp thuế. Nguyên nhân xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, nội dung trình bày văn bản có nhiều cách hiểu khác nhau, các tiêu chí đánh giá về ưu đãi đầu tư còn mang định tính, chưa có định lượng cụ thể.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng nhất lúc này là cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, bịt các lỗ hổng pháp lý để chống chuyển giá; sửa đổi một số quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về dự án đầu tư, doanh nghiệp FDI một cách đồng bộ, thông suốt để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến doanh nghiệp FDI, phục vụ công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời.

Xây dựng chế tài trong chuyển giá theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, cần tiến hành cải cách thuế hướng đến phù hợp với các thông lệ quốc tế về chuyển giá.

Cùng với đó, theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm toán nhà nước nên tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về chống chuyển giá nhằm đánh giá tính hợp lý, tính đầy đủ, tính khả thi, tính hiệu lực và hiệu quả của quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ; chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập và hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm chống gian lận, trốn thuế và hoàn thiện công tác quản lý kiểm soát giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp FDI: Giải bài toán chuyển giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO