Chương trình do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải, và Trung tâm hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) tổ chức.
Đây là nơi chia sẻ các giải pháp và thực hành tốt của doanh nghiệp trong việc giảm sử dụng đồ nhựa một lần nhằm lan tỏa và nhân rộng mô hình đến các doanh nghiệp khác trong khu vực. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp địa phương về sự cần thiết phải giải quyết và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương tại các vùng ven biển Việt Nam nói chung và khu vực Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà nói riêng; góp phần phát triển kinh tế địa phương đồng thời vẫn duy trì và bảo vệ các giá trị môi trường tại khu vực này.
Ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa và thách thức đối với môi trường, kinh tế và xã hội toàn cầu. Mỗi năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa – tương đương một phút một xe tải đầy rác thải nhựa - đổ ra đại dương xâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe hệ sinh thái và sinh kế của cộng đồng ven biển.
Việt Nam là một trong bốn quốc gia đứng đầu trong danh sách những nước có lượng rác thải nhựa xả ra đại dương nhiều nhất do quản lý yếu kém. Trong khi đó, ngành công nghiệp nhựa Việt nam cũng là khu vực phát triển nhanh thứ hai trong nền kinh tế và nhập khẩu tới 80% nhựa phế liệu bởi nguồn cung trong nước không đáp ứng được yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng. Mặt khác rác thải nhựa tại Việt Nam bị xem là có giá trị thấp hoặc không có giá trị và thường bị thải ra môi trường sau một lần sử dụng.
Để góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng đang diễn ra, đã đến lúc rất cần có sự chung tay của các bên liên quan bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong cuộc chiến này.
Thực tế cho thấy vai trò của khối doanh nghiệp đang ngày càng trở nên quan trọng đặc biệt trong các nỗ lực giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Đã có những doanh nghiệp chủ động tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm ô nhiễm nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp đó vẫn còn rất hạn chế, do đó việc huy động thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia là việc vô cùng cần thiết.
Tọa đàm là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà, nhóm nghành nghề được hưởng lợi trực tiếp từ các giá trị môi trường, nhận thức được sự cần thiết phải hành động vì một “Cát Bà nói không với đồ dùng nhựa một lần”, đúng như thông điệp và nỗ lực của chính quyền địa phương đang hướng tới.
Trong khuôn khổ tọa đàm, ban tổ chức cũng tổ chức tham quan thực địa tại Phù Long và triển lãm 5R với chủ đề “Rác thải nhựa: Biến rác thành tài nguyên” tại khu vực quảng trường của đảo Cát Bà.
Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà do IUCN thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Được khởi xướng vào năm 2014, Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long – Cát Bà là cơ chế hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, từ đó thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.