Doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong phát triển công nghệ sinh học
(TN&MT) - Năm 2023, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đây là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển công nghệ sinh học (NCSH) ở Việt Nam, thúc đẩy tiến trình đạt được mức phải ròng bằng “0” như cam kết tại COP26.
Vậy Nghị quyết 36 sẽ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp Việt? Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường (EPMA) đã trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường.
PV: Thưa ông, việc Bộ Chính trị ban hành riêng một Nghị quyết về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một tín hiệu đáng mừng mà các doanh nghiệp Việt đều rất mong chờ?
TS. Nguyễn Lê Thăng Long: Đúng vậy! Nghị quyết là một bước đi đúng đắn, bắt kịp xu hướng của thời đại mới. Trên thế giới, nhiều nước như Mỹ, Châu Âu đã đưa phát triển công nghệ sinh học trở thành một trong những mũi nhọn để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Trong công nghiệp, công nghệ sinh học (CNSH) là cơ sở để tạo ra những nguồn nguyên liệu bền vững, tại đó, nguyên liệu cho sản xuất thay vì trải qua những quá trình khai khoáng, chế biến hóa chất phức tạp, độc hại và tiêu tốn nhiều năng lượng, sẽ được tạo nên từ những sản phẩm của nền sản xuất nông nghiệp đơn giản, như tinh bột ngô, sắn, hay bã thải của chế biến nông sản…
Ứng dụng CNSH giúp các doanh nghiệp phát triển và tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.
Việc đẩy mạnh phát triển CNSH tại Việt Nam sẽ tạo động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, giúp cho nước ta nhanh chóng đạt được những cam kết đã nêu ra tại COP26.
PV: Vậy để xây dựng một nền công nghiệp sinh học, theo ông, doanh nghiệp đóng vai trò như thế nào?
TS. Nguyễn Lê Thăng Long:
Doanh nghiệp sẽ là những nhà tiên phong, đóng vai trò chủ chốt trong việc đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp sinh học tại Việt Nam. Bởi lẽ, doanh nghiệp chính là đầu mối cuối cùng để đưa những ứng dụng khoa học, công nghệ tới với thị trường, người tiêu dùng hay rộng hơn nữa là môi trường.
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao, thân thiện môi trường, An Phát Holdings cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác đang tích cực cập nhật những ứng dụng mới nhất từ các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến vào sản xuất để phát triển những sản phẩm có hàm lượng chất cao và thân thiện với môi trường.
PV: Trong Nghị quyết đặt ra yêu cầu về chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường. Riêng đối với ngành nhựa, công nghệ sinh học đang được ứng dụng ra sao?
TS. Nguyễn Lê Thăng Long:
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, trong những năm gần đây, ngành nhựa cũng đang từng bước ứng dụng CNSH vào nghiên cứu và sản xuất. Trong đó lĩnh vực ứng dụng nhiều nhất đó là nghiên cứu và sản xuất ra các loại nguyên liệu nhựa thân thiện với môi trường. Sử dụng loại nguyên liệu này, nhà sản xuất sẽ cho ra đời những sản phẩm nhựa “xanh”, có khả năng thay thế các sản phẩm nhựa truyền thống. Ví dụ, ứng dụng công nghệ sinh học, các doanh nghiệp nhựa đã cho ra đời các sản phẩm như túi, bao bì, găng tay, dao thìa dĩa, ống hút, lưới đánh cá, màng phủ nông nghiệp có công năng như những sản phẩm truyền thống nhưng chỉ mất 6-12 tháng để phân hủy mà không gây hại cho môi trường.
Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa đáng báo động toàn cầu, chỉ khoảng 15% rác thải nhựa trên toàn cầu được thu hồi và tái chế, thì ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất ra các sản phẩm thân thiện môi trường cũng được cho là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp thực hiện cuộc cách mạng “xanh” trong sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm bảo vệ môi trường.
PV: Phát triển nhựa phân hủy sinh học là một hướng đi mới ở Việt Nam. Thuận lợi và thách thức mà doanh nghiệp gặp phải là gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Lê Thăng Long:
Thuận lợi lớn nhất của doanh nghiệp như chúng tôi nhận thấy đó là: Nhựa phân hủy sinh học là hướng đi tất yếu của thế giới. Những sản phẩm nhựa dùng 1 lần là những sản phẩm khó thu hồi, khó phân loại, và rất khó để tái chế. Trước đây nhiều người nghĩ rằng rất khó để thay thể sản phẩm nhựa truyền thống bởitính tiện dụng của nó là không thể bàn cãi dù chúng có thể mất đến hàng trăm đến hàng nghìn năm để phân hủy. Tuy nhiên khoa học hiện đại đã giúp nghiên cứu ra những sản phẩm phân hủy sinh học vừa giữ được sự tiện dụng đó và vừa bảo vệ được môi trường và có khả năng thay thế các sản phẩm nhựa truyền thống dùng một lần. Đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc thu gom, phân loại rác còn chưa thực sự tốt, và nhu cầu với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần lại rất lớn, thì dư địa thị trường cho sản phẩm thay thế có khả năng phân hủy sinh học là rất lớn.
Thứ hai là chúng ta đang có sẵn cơ sơ hạ tầng, dây chuyền sản xuất để chuyển đổi và phát triển sản xuất sản phẩm phân hủy sinh học. Nếu chúng ta có những sự chuẩn bị và đón đầu tốt, tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể giúp xây dựng vị thế vững chắc trên trường quốc tế trong lĩnh vực sản xuất nhựa phân hủy sinh học.
Về thách thức, theo tôi, có 3 thách thức chính mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi theo đuổi mô hình xây dựng và phát triển nhựa phân hủy sinh học:
Thách thức đầu tiên là việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật cao. Phát triển công nghệ sinh học là xu hướng mới toàn cầu nên công nghệ sản xuất mới cũng là yếu tố thiết yếu. Việc tiếp cận khoa học, kỹ thuật này đòi hỏi doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản, cả về con người, trang thiết bị, nguồn vốn, nhằm thực hiện một kế hoạch chiến lược dài hạn. Đây sẽ là một thách thức bởi nguồn vốn đầu tư cho mô hình này sẽ rất lớn, và cần nhiều thời gian, đòi hỏi doanh nghiệp có nguồn lực vững vàng.
Thứ hai, sản xuất nhựa phân hủy sinh học tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu, dẫn đến chi phí sản xuất lớn, giá thành cao, khó tiếp cận đến đại đa số người tiêu dùng.
Thứ ba, chúng ta đang thiếu tiêu chí để phân loại các sản phẩm thực sự thân thiện môi trường. Do đó, nhiều sản phẩm về bản chất vẫn là sản phẩm nhựa truyền thống khó phân hủy nhưng vẫn mang danh “phân hủy sinh học – thân thiện môi trường” gây khó khăn cho việc tiêu thụ các sản phẩm thật sự thân thiện môi trường và nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
PV: Những thách thức, khó khăn là “phép thử” với doanh nghiệp Việt khi phát triển công nghệ sinh học. Vậy Nghị quyết 36 sẽ tiếp thêm động lực để doanh nghiệp Việt dũng cảm ứng dụng, xây dựng công nghiệp sinh học ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Lê Thăng Long:
Trong Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghệ sinh học, trong đó tôi đánh giá cao việc Bộ Chính trị “lấy doanh nghiệp làm chủ thể”, ưu tiên dành nguồn lực để ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học.
Theo tôi, điều này cho thấy sự quan tâm của Bộ Chính trị dành cho các doanh nghiệp tiên phong đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học. Đây sẽ là nền tảng vững để doanh nghiệp và các nhà khoa học cho ra đời những sáng kiến, phát minh công nghệ sinh học mới, có tầm ảnh hưởng lớn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!