Xã hội

Định hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp

Hoài Thu 05/10/2024 - 13:59

(TN&MT) - Ngày 5/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) giao Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế".

Diễn đàn là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

img_0392.jpeg
Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) cho biết, công nghệ vi sinh, công nghệ nano trong chế tạo các chế phẩm sinh học đã tạo ra những thành phẩm mang tính hiệu quả cao và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Sự kết hợp giữa công nghệ sinh học và công nghệ số cho phép chúng ta phát triển công nghệ khoa học lên một tầm cao mới.

Diễn đàn lần này là một bước quan trọng nhằm phổ biến rộng rãi những thành tựu công nghệ sinh học đã ứng dụng vào nông nghiệp và đánh giá các thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, các thành tựu này không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong canh tác. Để không tụt hậu với các quốc gia trên thế giới, nước ta cần nắm bắt các ứng dụng và xu hướng phát triển khoa học công nghệ. Ông hy vọng, thời gian tới, công nghệ sinh học sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giúp ngành nông nghiệp Việt Nam đối phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH) và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế.

Đồng thời, ông mong muốn Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý về định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và các thách thức về khí hậu hiện nay.

img_0390.jpeg
PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường trình bày tham luận

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, để phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực và BĐKH, cần chú trọng đến các kỹ thuật nhân giống hiện đại, kỹ thuật di truyền và chỉnh sửa bộ gen, công nghệ GE,… Điều này sẽ cung cấp các giống mới với những tính trạng như mong muốn, bao gồm: Chịu hạn, kháng bệnh, tăng năng suất và phù hợp tính trạng với mục tiêu giảm phát thải nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng sản lượng,… đồng thời, các quy định pháp lý cho phép các sản phẩm này được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất là rất quan trọng.

Tuy nhiên, việc phát triển, xây dựng Đề án công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 vẫn gặp nhiều vướng mắc, liên quan đến thiết bị, công nghệ không được cập nhật, thiếu các công nghệ cơ bản để kế thừa phát triển (tính bảo hộ cao, khó chuyển giao từ nông nghiệp), thiếu sự tham gia từ các doanh nghiệp đầu tư,…

Do đó, để giải quyết những thách thức này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Vì vậy, cần xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ sinh học và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án nghiên cứu mới. Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ sinh học cũng là một yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Công nghệ sinh học đã được ứng dụng vào việc bảo quản nông sản sau thu hoạch, giảm thiểu tổn thất và gia tăng giá trị xuất khẩu. Cùng với đó, các giải pháp công nghệ vi sinh đã được triển khai rộng rãi, giúp cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học, từ đó nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác.

img_0389.jpeg
TS. Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật - Viện Công nghệ sinh học phát biểu tham luận

Tại Diễn đàn, TS. Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật - Viện Công nghệ sinh học, đã trình bày về Kết quả nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR). Trong đó, công nghệ tác động tích cực lên các giống thực vật, giúp tìm chức năng gen trên lúa, dưa chuột, đu đủ, xoan ta,…; cải tạo giống cây trồng như nâng cao chất lượng cây đậu tương, cà chua; nâng cao tính kháng bệnh, chống chịu ngoại cảnh và điều kiện bất lợi. Ngoài ra, chỉnh sửa gen cũng được ứng dụng trên tế bào động vật như loài gà H’mông; vi sinh vật trên tế bào vi khuẩn Serratia marcescens.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, các giải pháp nông nghiệp chính xác sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp ngành này thích ứng tốt hơn với BĐKH. Việc ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh cao.

img_0388.jpeg
Bà Sonny Tababa - Giám đốc Công nghệ Sinh học CropLife Châu Á phát biểu tại Diễn đàn

Chia sẻ tại Diễn đàn về vai trò công nghệ sinh học trong bối cảnh ngành nông nghiệp thế giới đang phải đối diện với những thách thức to lớn của BĐKH và nước biển dâng, bà Sonny Tababa - Giám đốc Công nghệ Sinh học CropLife Châu Á đánh giá cao định hướng và những chương trình hành động của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng các giải pháp cây trồng công nghệ sinh học, thể hiện qua nhiều dự án nghiên cứu khoa học trọng điểm, nỗ lực hợp tác chuyển giao công nghệ cũng như quá trình rà soát và hoàn thiện quy trình quản lý để phát huy tối đa lợi ích của các giải pháp này.

Việt Nam hiện là một trong những nước có khung pháp lý đối với cây trồng chuyển gen tiên tiến nhất trên thế giới. Bà mong muốn, Tổ chức CropLife sẽ tiếp tục được đồng hành trong những chương trình hợp tác công tư để giới thiệu những thế hệ cây trồng công nghệ sinh học tiếp theo tới nông dân trong nước, giúp người dân có thêm nhiều công cụ canh tác cải tiến để thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình – đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

img_0391(1).png
Toàn cảnh Diễn đàn

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về các thành tựu nổi bật, trong đó đáng chú ý là việc cải tiến giống cây trồng thông qua ứng dụng công nghệ sinh học, với nhiều giống cây mới đã được phát triển cùng khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO