Doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn vai trò của sản xuất sạch hơn trong doanh nghiệp

Lan Anh| 20/11/2020 17:03

(TN&MT) - Kết quả quan trọng nhất sau 10 năm triển khai Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến 2020 là doanh nghiệp cũng như người dân đã nhận thức được lợi ích, vai trò của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, đặc biệt sau này là tiêu dùng bền vững gắn vào mục tiêu sản xuất.

Sáng 20/11, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến 2020.

Nhiều kết quả tích cực 

Ngày 7/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” với mục tiêu sản xuất sạch hơn (SXSH) được áp dụng rộng rãi tại các cơ sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững.

Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì triển khai 4/5 đề án của Chiến lược gồm nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về SXSH trong công nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại cơ sở sản xuất công nghiệp; hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp.

Tổng kinh phí thực hiện chiến lược trong 10 năm vào khoảng 141,79 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 15,89 tỷ đồng, kinh phí của địa phương 115,9 tỷ đồng (41 tỉnh, thành), và Đan Mạch tài trợ thực hiện 10 tỷ đồng.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến 2020.

Qua 10 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so với năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so với năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, kết quả quan trọng nhất sau 10 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 là doanh nghiệp cũng như người dân đã nhận thức rõ hơn về yêu cầu phải SXSH và đặc biệt là tiêu dùng bền vững gắn vào mục tiêu sản xuất.

Tuy nhiên, đây là chương trình mới nên còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện, trong đó, vấn đề nguồn kinh phí triển khai các đề án của Chiến lược SXSH khá hạn chế. Do vậy, một số chỉ tiêu cụ thể, đặc biệt là chỉ tiêu về xây dựng hệ thống sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa đạt được theo yêu cầu.

Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã tham gia chương trình sản xuất sạch hơn

Qua quá trình triển khai Chiến lược SXSH tại các doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, đó là, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong thực hiện SXSH; và thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, thực hiện các giải pháp đầu tư lớn cũng như chưa có cơ chế tài chính ưu đãi và ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các dự án SXSH.

Tăng cường vai trò tham gia của doanh nghiệp vào áp dụng SXSH

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ tập trung thực thiện tốt mục tiêu thứ 12 trong phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Để thực hiện thành công các mục tiêu được đặt ra, Bộ Công Thương sẽ thay đổi cách thức hoạt động, tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn khách quan, đặc biệt là khó khăn về mặt tài chính.

“Chúng tôi hướng đến việc nhấn mạnh và tăng cường đưa vai trò tham gia của doanh nghiệp vào áp dụng SXSH, chứ không trông chờ vào ngân sách của Nhà nước. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp để thực hiện tốt các mục tiêu trên trong thời gian đến. Đồng thời, chúng tôi cũng phải xem lại và hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện SXSH. Và đến một lúc nào đó phải đưa ra những chế tài nhất định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, cam kết thực hiện SXSH và tiêu dùng bền vững”, ông Dũng nói.

Sản xuất sạch hơn không những giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn góp phần nâng cao uy tín DN trong cộng đồng. 

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra mục tiêu giảm thêm 5 – 10% tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; sẽ xây dựng thành công 20 – 30 mô hình về sản xuất bền vững và phổ biến nhân rộng mô hình; 85% - 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường, 80% - 100% tỉnh, thành phố trung ương tuyên truyền phổ biến về tiêu dùng bền vững; 70% - 100% khu cụm công nghiệp được phổ biến nâng cao về SXSH và tiêu dùng bền vững (SCP), 70% - 90% tỉnh thành phố xây dựng kế hoạch hành động lồng ghép vào các chương trình hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn vai trò của sản xuất sạch hơn trong doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO