Bất động sản

Doanh nghiệp bất động sản: Vượt “cơn gió ngược”

Thục Vy 14/09/2023 - 09:29

(TN&MT) - Sau thời gian dài “án binh bất động”, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại khu vực phía Nam đã không thể tiếp tục chế độ chờ đợi. Để vượt qua khó khăn, họ đã từng bước vượt “cơn gió ngược”, nhiều chính sách chưa từng có đã được các chủ đầu tư áp dụng nhằm thay đổi cục diện trên thị trường BĐS.

Nỗ lực để cứu mình

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, thị trường BĐS vẫn chưa thực sự phục hồi, thanh khoản sụt giảm trong khi nhu cầu rất thấp và người mua vẫn đang trong trạng thái chờ đợi. Từ những khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp BĐS đã phải tự nỗ lực để cứu mình. Cũng lần đầu tiên sau nhiều năm trở lại đây, các chủ đầu tư dự án BĐS phía Nam thể hiện rõ thiện chí bán hàng với loạt chính sách kích cầu như: cho phép đặt cọc 30% đến khi bàn giao nhà; hỗ trợ lãi suất trong vòng 2 - 5 năm, ân hạn nợ gốc lên đến 24 tháng; kéo dài thời gian thanh toán lên 3 - 5 năm; cam kết cho thuê lại với lãi suất hấp dẫn; các khoản hỗ trợ tài chính khác cho người mua...

bds.jpg
Nhiều doanh nghiệp BĐS đã và đang nỗ lực tự cứu mình trước tình hình thị trường BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn như hiện nay

Điển hình như dự án Phú Đông Sky Garden của chủ đầu tư Phú Đông Group giới thiệu chính sách thanh toán “sốc”. Cụ thể, thanh toán 5% khi ký hợp đồng mua bán, hỗ trợ lãi suất 0% đến khi nhận nhà; cố định lãi suất 6% trong vòng 2 năm sau nhận nhà. Đây là chính sách bán hàng chưa từng xuất hiện trong chiến lược của chủ đầu tư này. Còn Rioland hiện đang tung chính sách bán hàng với cam kết thuê, cho thuê đối với dự án MT Eastmark City (TP. Thủ Đức). Theo đó, mỗi căn hộ được định giá thuê 8 - 18 triệu đồng/tháng, cam kết kéo dài trong 2 năm kể từ thời điểm bàn giao, đồng nghĩa, người mua nhà có lợi nhuận từ 192 - 432 triệu đồng…

Đại diện một sàn giao dịch BĐS phía Nam cho biết, tâm lý của khách hàng là trông chờ vào chính sách bán hàng từ phía chủ đầu tư dự án. Minh chứng là khi một chính sách mới của chủ đầu tư dự án đưa ra, lập tức sức cầu của thị trường tăng trở lại. Lượng booking giỏ hàng tăng lên. Điều này có nghĩa là trong bối cảnh thị trường hiện nay, chính sách bán hàng, trong đó tiến độ thanh toán kéo dài được xem là yếu tố quyết định mạnh đến thanh khoản mỗi dự án.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp BĐS có nhiều chính sách thanh toán linh hoạt giúp giảm áp lực dòng tiền cho khách hàng trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết để kích cầu người mua. Đây sẽ là giải pháp mà các doanh nghiệp có thể chủ động để tự cứu lấy mình trước khi chờ các quyết sách của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương “thẩm thấu” vào thị trường.

Cần “liều thuốc“ mạnh

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp BĐS hiện nay vẫn là nguồn vốn và pháp lý dự án. Nguồn vốn tín dụng được xem là “dòng máu“ của doanh nghiệp BĐS, nhất là sau khi các doanh nghiệp đã bỏ lượng tiền lớn để tạo lập quỹ đất phát triển dự án, việc được vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các công trình đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai là rất cần thiết. Thế nhưng, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS hiện nay lại không hề dễ dàng.

Thực tế cho thấy, hiện đã bước sang những tháng cuối năm 2023, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, room tín dụng còn dồi dào nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS vẫn chưa thực sự dễ dàng khi yêu cầu về tài sản đảm bảo, tình trạng nhóm nợ đang khá cứng nhắc. Vì vậy, mong muốn của hầu hết doanh nghiệp BĐS là nhanh chóng khơi thông điểm nghẽn về nguồn vốn để có nguồn lực trong phát triển, hoàn thiện các dự án.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang phân tích, tuy lãi suất giảm sớm hơn dự kiến và Trung ương đã tích cực ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thị trường BĐS vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, mặt bằng lãi suất giảm nhưng chỉ giảm ở chiều gửi còn chiều cho vay vẫn ở mức cao. Những nút thắt về pháp lý dự án vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây ra các trở ngại trong quá trình cấp phép dự án. Chưa kể, một bộ phận lớn nhà đầu tư hiện nay đang có tâm lý chờ đợi thị trường “xuống đáy” mới “xuống tiền”.

Lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cũng cho rằng, bên cạnh nguồn vốn thì pháp lý dự án cũng cần được quan tâm tháo gỡ triệt để để doanh nghiệp yên tâm “làm ăn”. Do đó, tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp được đầu tư phát triển dự án là giải pháp đầu tiên và cũng là then chốt nhất cần được thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và có cơ sở để phát triển đường dài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm xấu nhất đối với thị trường BĐS đã qua, thị trường đang có tín hiệu sáng hơn. Song, trước mắt vẫn phải đối mặt với một số trở ngại như lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao, các chính sách hỗ trợ cần thời gian để ngấm và lan tỏa… Trong bối cảnh này, những chủ đầu tư ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề trái phiếu, sở hữu quỹ đất sạch, có khả năng phát triển và bán hàng tốt được cho là sẽ vượt qua được những “cơn gió ngược”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bất động sản: Vượt “cơn gió ngược”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO