Doanh nghiệp BĐS khó khăn trăm bề
Trao đổi với báo giới, các DN BĐS đều cho rằng, đây là thời điểm khó khăn nhất của các DN. Lãi suất ngân hàng tăng cao trong khi các kênh huy động vốn khác như nguồn trái phiếu, nguồn tiền huy động từ khách hàng đang tắc nghẽn. Nhiều DN đã chấp nhận hạ giá sâu sản phẩm nhà ở để thu được dòng tiền mặt, đáo hạn các khoản nợ nhưng không thành công. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều DN buộc phải phá sản, giải thể.
Đại diện một DN BĐS lớn tại Hà Nội cho biết, hiện nay, lãi suất cho vay đối với các DN BĐS đang ở mức rất cao 12 - 15%. Tuy nhiên, “room” tín dụng dành cho cả DN và người mua nhà hiện nay không có, kể cả đối với những dự án mà ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn. Vì vậy, DN muốn vay cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. “Kể từ khi ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng vào BĐS, việc vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp rất khó khăn. Nhiều ngân hàng trả hồ sơ vay vốn với lý do hết “room” tín dụng, số khác thông báo hạn chế giải ngân đối với BĐS. Trong khi vốn tự có của DN chỉ chiếm 20%, còn 80 - 85% phải huy động từ các kênh khác như trái phiếu, khách hàng, quỹ đầu tư (trong nước, ngoài nước) nhưng đến nay, các nguồn này đều vướng. Vì vậy, DN BĐS rất khó khăn".
Dưới góc độ là đơn vị phát triển dự án, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest cho rằng, DN BĐS đang ở giai đoạn khó khăn nhất vì không có dự án, tìm kiếm dự án vô cùng khó bởi vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vì vậy, vấn đề mà các DN BĐS đang quan tâm nhất hiện nay chính là hành lang pháp lý...
Hiện, hành lang pháp lý của BĐS liên quan tới khoảng 12 luật. Trong hệ thống pháp luật, các thủ tục pháp lý do các bộ chuyên ngành soạn thảo nên có sự đan xen, chồng chéo,... vì vậy các cơ quan hành pháp khó xử lý. Điều này dẫn đến việc các dự án bị chậm lại, có những dự án dừng cả chục năm, chi phí vô hình cho các DN BĐS là rất lớn. Những quy định, thủ tục này đã được kiến nghị và được cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Chính phủ ghi nhận cần tháo gỡ. Tuy nhiên, việc tháo gỡ sẽ cần có thời gian và chắc chắn trong giai đoạn hiện tại là khó khăn.
Thứ hai, ngoài các thủ tục pháp lý, gần đây Việt Nam có chủ trương siết chặt tín dụng BĐS với cả người mua và người bán. Khi tín dụng siết chặt lại, trái phiếu cũng được quản lý chặt chẽ, các DN BĐS sẽ không có nguồn cung về tài chính. Do BĐS ở Việt Nam có xu thế bán nhà hình thành trong tương lai, nên vừa làm vừa thu gom vốn của người mua. Đây là một rào cản mà nếu không cẩn thận, BĐS sẽ đổ vỡ.
Theo dự báo của chuyên gia, dòng tiền tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong 3 tháng tới do Nhà nước tiếp tục xử lý và làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Khó khăn sẽ giảm dần trong quý I/2023 và có thể ổn định lại trong quý II/2023. DN BĐS sẽ có ít nhất 6 tháng nữa để đối đầu với sự khó khăn của dòng tiền.
Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hà Nội đang có khoảng 400 dự BĐS. TP.HCM có 302 dự án "treo", chờ thủ tục pháp lý. Các dự án “đắp chiếu” nhiều năm chưa thể triển khai, cần được xem xét tháo gỡ.
Lập Tổ công tác gỡ khó cho BĐS
Trước những khó khăn của DN BĐS, Chính phủ đã tổ chức 2 cuộc họp mặt cộng đồng các DN BĐS tại 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP.HCM. Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng và 7 thành viên là thứ trưởng các bộ, ngành liên quan.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua kiểm tra, rà soát, Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp tới các dự án BĐS, trường hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền, Tổ sẽ tham mưu cho Thủ tướng báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam đặt kỳ vọng Tổ công tác của Chính phủ sẽ vào cuộc một cách quyết liệt để giải quyết các vướng mắc hiện nay đối với thị trường BĐS và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển lành mạnh. “Việc lập Tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án BĐS lúc này thể hiện sự thấu hiểu, chia sẻ, vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ. Điều này giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường BĐS và các thị trường liên quan như chứng khoán, trái phiếu. Đây cũng là thông điệp của Thủ tướng, vì niềm tin thị trường đang là vấn đề lớn nhất của thị trường lúc này”- ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhấn mạnh.