Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh đại dân tộc Việt Nam

Việt Hùng - Tuyết Chinh| 04/12/2020 15:10

(TN&MT) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định điều này trong phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II, sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết các dân tộc.

Thủ tướng nêu rõ, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn, từ đất liền ra đến hải đảo.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với GDP tăng trung bình 6,3% trong 10 năm qua. Ngay cả khi thế giới phải đối mặt với đại dịch thế kỷ COVID-19, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II. Ảnh: Chinhphu.vn

Sự phát triển của quốc gia đến từ thành công của các địa phương. Cùng với các địa phương phát triển luôn duy trì sức tăng trưởng cao, các tỉnh khó khăn – nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh Miền Trung, đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên nơi có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống vẫn luôn nỗ lực để đạt tăng trưởng khá, với ý chí không để tỉnh nhà bị bỏ lại phía sau, quyết tâm phải làm cho các dân tộc tỉnh nhà ngày càng vươn lên cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn và phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho con cháu mà còn là một tài nguyên mới cho sự phát triển, nhất là du lịch. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường hơn.

“Nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nêu rõ, đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển vĩ đại của đất nước xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, và gần đây nhất là thành quả của gần 35 năm Đổi mới đất nước. Mặc dù chỉ chiếm chưa đến 15% dân số, nhưng đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng khẳng định, đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam. Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng là đại dương, chỉ khi cùng nắm chặt tay nhau tiến lên - 54 dân tộc anh em Con Lạc - Cháu Rồng, chúng ta sẽ xây dựng được một quốc gia hùng mạnh.

Mặc dù vậy, kinh tế đất nước tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây, quy mô kinh tế giờ đây đã vào nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, song chúng ta vẫn còn là nước có thu nhập trung bình, chúng ta vẫn phải nỗ lực rất nhiều để sớm hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 – sánh vai với các nước phát triển. So với sự phát triển của cả nước và ở từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách thu nhập so với cả nước ngày càng dãn cách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng với các đại biểu

Đoàn kết các dân tộc, nâng cao thực chất đời sống của đồng bào

Nhấn mạnh đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, Thủ tướng cho rằng, đó cũng là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trên tinh thần đó, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh (bìa trái) và các Đại biểu đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thủ tướng mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em chúng ta được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn.

“Hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời cần kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị  đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Hãy tìm cách chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc đó trở thành một nguồn lực, một thứ tài nguyên cho sự phát triển bền vững. Hãy truyền dạy cho con cháu muôn đời về lòng yêu nước của cha ông ta, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; về ý chí dấn thân vì cộng đồng, đất nước; hãy khơi gợi tinh thần và khát vọng về một Việt Nam hùng cường 2045 trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Thủ tướng kêu gọi.

Các đại biểu Đoàn Bộ TN&MT dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II

Đặc biệt, với đồng bào dân tộc thiểu số, rừng trước tiên còn là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Rừng cũng là sinh kế cho đồng bào. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu, đã đến lúc đồng bào dân tộc thiểu số phải giữ rừng như chính giữ sinh mạng của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng các tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào tăng thu nhập, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh của đất nước, góp phần quan trọng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thủ tướng kỳ vọng, gần 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước hội tụ về Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh đại dân tộc Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO