Tham dự sự kiện về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, cùng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía châu Âu có Cao ủy EU phụ trách Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius, Bộ trưởng Ngoại Thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher, Trưởng Phái đoàn - Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberto, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đại diện Đại sứ quán các nước châu Âu tại Việt Nam, các Tập đoàn châu Âu và chuyên gia của các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham đánh giá cao về việc nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất lại Việt Nam chú trọng bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ trong các chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Ủy ban Châu Âu và Liên minh Châu Âu rất quan tâm đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Do vậy, Diễn đàn là cơ hội để Việt Nam tăng cường các cơ hội với Liên minh Châu Âu. Thông qua các buổi đối thoại, Chính phủ các bên và doanh nghiệp có thể cùng nhau tìm ra những giải pháp để tăng trưởng bền vững.
Diễn đàn là cơ hội để hai bên cùng nhau bàn về những giải pháp giải quyết các thách thức về thị trường. Làm sao để giảm phát thải, thúc đẩy kinh tế xanh là những nội dung rất quan trọng trên toàn thế giới.
"Trong bối cảnh hàng loạt các vấn đề đe dọa đến biến đổi khí hậu thì việc làm thế nào để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Khu vực tư nhân sẽ là khu vực quan trọng trong việc chuyển đổi này. Không thể quốc gia nào có thể đơn độc đạt được các mục tiêu. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp EU cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được tiến trình này" - ông Virginijus Sinkevicius nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương Việt Nam tổ chức GEFE 2022 với chủ đề vô cùng thời sự "Các sáng kiến và giải pháp xanh từ châu Âu đến Việt Nam".
Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì sự kiện có sự tham gia của đông đảo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, là minh chứng cho sự quan tâm và cam kết của cả Việt Nam và châu Âu về các vấn đề phát triển bền vững.
Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam, vì mục tiêu đem lại thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh không phải là công việc của một quốc gia, mà là công việc toàn cầu, không quốc gia nào đứng ngoài cuộc, nên kêu gọi đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương.
Chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số có tác động toàn dân nên cần có sự hợp tác toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Mọi chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách, thực thi chính sách với tinh thần: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ thưởng.
Thủ tướng cho biết, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam đã tích cực xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Sau hơn 2 năm chống dịch, cuộc sống đã trở lại bình thường. 11 tháng qua, kinh tế xã hội phát triển hết sức tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, làm đủ ăn, xuất đủ nhập, bảo đảm an ninh năng lượng).
Khẳng định cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Thủ tướng cho biết, minh chứng là Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung xây dựng 3 trụ cột: Nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuân thủ các quy luật thị trường, có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình đó, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực của phát triển.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư; thúc đẩy việc thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Nhóm G7 và Việt Nam (JETP) trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi.
Trước đông đảo các nhà đầu tư hàng đầu châu Âu, Thủ tướng nêu rõ, sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, khuyến khích kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Bảo đảm chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường. Khuyến khích đổi mới sáng tạo vào các ngành mới nổi.
Đoàn kết, chia sẻ hướng tới phát triển xanh
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, đã đến lúc tất cả các quốc gia cùng chung tay hành động, giải quyết những thách thức lớn về môi trường và khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt là tại COP26, với những cam kết rất mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng. COP27 vừa qua một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải thực hiện các cam kết tại COP26, thực hiện “chuyển đổi năng lượng công bằng” với các hình thức hợp tác phù hợp, nhấn mạnh tầm quan trọng tăng cường tỷ trọng năng lượng sạch phù hợp với điều kiện quốc gia cũng như nhu cầu được hỗ trợ để chuyển đổi công bằng.
Tại Diễn đàn lần này, Bộ trưởng cho rằng, Châu Âu cùng với các quốc gia đang phát triển phải cùng nhau đoàn kết, cùng nhau thay đổi về tư duy, thay đổi về nhận thức, thay đổi về các chính sách, về công nghệ, dự án… để có thể hoàn thành các mục tiêu chung đặt ra. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là xu thế của thời đại, là quy luật tất yếu trong bối cảnh đặt ra hiện nay.
Với nội dung “Kinh tế các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu” là chủ đề cho Phiên thảo luận cấp cao hôm nay với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hàng đầu châu Âu và quốc tế. Điều đó đã khẳng định quyết tâm, cam kết của Liên minh châu Âu, Hiệp hội Eurocham, các doanh nghiệp thành viên trong việc đồng hành cùng với các cơ quan của Việt Nam thực hiện các cam kết về phát triển kinh tế các-bon thấp và có sức chống chịu với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng tin tưởng rằng, thông qua Diễn đàn này sẽ góp phần để giúp Việt Nam có được sự hợp tác về các chính sách, nghiên cứu khoa học, cơ chế tài chính mang lại giá trị cốt lõi làm thay đổi được những tồn tại hiện nay và tận dụng được những cơ hội từ xu thế thời đại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách về môi trường, khí hậu; tổ chức hướng dẫn triển khai các cơ chế chính sách liên quan đến môi trường, khí hậu; hợp tác trong thu hút nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi xanh.