Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban KH,CN&MT; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thành viên Ủy ban KH,CN&MT; đại diện đoàn ĐBQH các tỉnh: Gia Lai, Nghệ An, Bình Định; đại diện Văn phòng Quốc hội; Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo các Sở, UBND các huyện, công ty khai thác, sử dụng nước lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe đại diện UBND tỉnh Bình Định báo cáo về kết quả công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là kết quả triển khai Luật Tài nguyên nước 2012 và các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan; các khó khăn, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước tại địa phương và các đề xuất, kiến nghị trong xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Bình Định thuộc khu vực thường xuyên thiếu nước về mùa khô, bị ngập lụt về mùa mưa. Hiện nay, tỉnh Bình Định đã ban hành các quy hoạch sử dụng nước của các ngành như quy hoạch thủy lợi, thủy điện, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; ban hành Quyết định định về việc phê duyệt danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Để bảo vệ tài nguyên nước, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục 261 ao, hồ, đàm không được san ấp trên địa bàn tỉnh và phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã cấp được 140 giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước; phê duyệt 80 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước với tổng số tiền là 127, 5 tỷ đồng. Cùng với đó, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 148 công trình cấp nước tập trung, bao gồm 21 công trình cấp nước đô thị và 127 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 164 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích chứa nước là 682 triệu m3 (ngoài ra hàng năm tỉnh Bình Định được bổ sung khoảng 800 triệu m3 từ công trình thủy điện An Khê - Kanak), 278 đập dâng nước trên sông, 286 trạm bơm, cấp nước cho 85% diện tích đất canh tác.
Hiện nay, hầu hết các khu công nghiệp - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều sử dụng ngồn nước dưới đất. Một số khu công nghiệp - cụm công nghiệp được cung cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung như: Khu kinh tế Nhơn Hội, KCN Phú Tài.
Cũng theo báo cáo, tỉnh Bình Định thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như bão, mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở núi và hạn hán. Trong thời gian qua, tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp ứng phó với thiên tai, hạn hạn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc xây dựng mới, nâng cấp các hồ chứa, đạp dâng, trạm bơm, bê tông hóa kênh mương, hệ thống quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư, nâng cấp, hoạt động ổn định. Mạng lưới quan trắc tự động lượng mưa chuyên dùng hiện có 74 trạm trên các lưu vực sông thuộc địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hàng năm, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí thực hiện quan trắc chất lượng môi trường đất, nước, không khí với tần suất 2 đợt/ năm (mùa khô, mùa mưa) để đánh giá diễn biến chất lượng môi trường toàn tỉnh qua từng năm.
Để đảm bảo điều hòa phân phối nước, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo triển khai thực hiện một số công trình chuyển nước đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng nước tại các vùng thiếu nước như hệ thống đập dâng, kênh mương Vân Phong. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Bình Định đã triển khai đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình thủy lợi, hồ, đập, kênh thủy lợi nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống thiên tai, ngăn mặn, đảm bảo cấp nước với số tiền đầu tư 3.657 tỷ đồng.
Theo đánh giá, thông qua công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh và công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý của các ngành, đến nay các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đã được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, dần chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép hoạt động.
Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước, UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ TN&MT tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước và chuyển giao tài liệu cho tỉnh để quản lý vì hiện nay mới có khoảng 1/3 diện tích của tỉnh có tài liệu điều tra; đề nghị ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Trung ương trong việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; tăng thẩm quyền cho cấp tỉnh trong việc cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước; đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép nước mặt cho các trường hợp hồ chứa nhỏ, đã xây dựng nhiều năm; quy định rõ hơn về thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các trường hợp khai thác nước từ hệ thống kênh thủy điện, thủy lợi sử dụng cho mục đích khác phải lập hồ sơ cấp phép tài nguyên nước;…
Góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh Bình Định kiến nghị Ban soạn thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) xem xét bổ sung các quy định cụ thể về duy trì dòng chảy tối thiểu đối với các hồ chứa nhỏ; bổ sung các chế tài xử lý nghiêm minh đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước làm suy giảm chức năng của nguồn nước, gây sụt, lún đất, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước ngoài trách nhiệm khắc phục hậu quả, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trong trường hợp nghiệm trọng cần thiết phải có chế tài xử lý hành chính hoặc hình sự.
Đối với trường hợp sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí, điện mặt trời và các hoạt động khác, đại diện lãnh đạo các đơn vị cho rằng cần phải có sự thống nhất giữa pháp luật thủy lợi và pháp luật tài nguyên nước để tránh chồng chéo;…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã giải trình làm rõ các vấn đề mà Đoàn công tác nêu ra, đồng thời, đề xuất với Đoàn công tác kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét nghiên cứu khi xây dựng, ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) phải đảm bảo việc quy hoạch tài nguyên nước mặt, nước ngầm; quy định quy trình vận hành liên hồ chứa phải chặt chẽ, thống nhất. Nghiên cứu các giải pháp phục hồi hệ sinh rừng, bảo vệ nguồn nước tại các lưu vực nằm trong hành lang an toàn nguồn nước nhằm khai thác bền vững; xem xét hỗ trợ Bình Định nâng cao trình hồ Định Bình…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh giá cao những giải pháp trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước của tỉnh Bình Định trong thời gian qua. Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để báo cáo với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét đưa vào nội dung dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để thông qua và ban hành, bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tài nguyên nước.
Cùng ngày, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế và làm việc tại Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak, hồ Định Bình, Đập dâng Văn Phong, khảo sát bãi giếng khai thác nước dưới đất sông Hà Thanh;… để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, nhằm hoàn chỉnh dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).