(TN&MT) - Những ngày này, hầu khắp các đô thị ở Việt Nam đều đang trong tình trạng nóng bức, nhiệt độ tăng cao, nhất là khu vực miền Bắc và miền Trung. Không khí ở các đô thị thường nóng hơn ở miền quê. Những vấn đề này ngày càng trở lên trầm trọng khi các đô thị phình ra cả ở chiều rộng lẫn chiều cao.
Nguy cơ với sức khỏe cư dân đô thị
Một nghiên cứu mới đây tại nước Anh cho thấy, các thành phố hiện thải trung bình 20 watt nhiệt trên 1m2 và trong tương lai sẽ thải thêm 60 watt nữa. Kết quả: Người dân đô thị nói chung và dân London nói riêng có thể phải chịu nhiều đêm nóng bức hơn. Trong 30 năm qua, chỉ có 20 đêm khi nhiệt độ tối thiểu tại London giảm xuống dưới 20 độ C, tất nhiên là trong mùa hè. Mức CO2 tăng gấp đôi sẽ làm số đêm nóng bức tăng gấp bốn lần. Tuy nhiên, hiệu ứng đảo nhiệt đô thị sẽ làm nhiệt độ trong các thành phố tăng lên sáu lần, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ con người. Những năm của thập kỷ đầu thế kỷ 21, có đợt nắng nóng tại châu Âu đã làm ít nhất 20.000 người tử vong.
Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa và dịch chuyển dân cư đến với các vùng đô thị đang diễn ra rất nhanh, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…. Quá trình gia tăng dân số, các phương tiện giao thông, xây dựng… kéo theo sự biến mất của các hệ thống điều hòa tự nhiên (cây cối, ao hồ…). Do ít cây xanh và nhiều bê-tông cùng nhựa đường, khí hậu tại các đô thị khác biệt nhiều so với miền quê xung quanh, chẳng hạn như nhiệt độ cao hơn quanh năm.
Việt Nam chưa có các nghiên cứu chính thức được công bố rộng rãi về những hệ quả tiêu cực của quá trình đô thị hóa và mở rộng ranh giới đô thị. Nhưng tại một số thành phố lớn trên thế giới, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều bằng chứng cụ thể, đó là tình trạng xuất hiện nhiều mưa đá và bão sấm hơn, tốc độ gió thấp hơn ở mặt đất, độ ẩm thấp hơn, nhiều mưa, mây hơn, khả năng khuếch tán mặt trời yếu hơn. Nhiều đại đô thị, các toà nhà lớn nhất tạo ra khí hậu cục bộ của chính chúng. Thỉnh thoảng, mọi người có thể nhìn thấy mây hình thành xuôi chiều gió của một toà nhà lớn với một chút mưa bụi.
Một nguy cơ đối với sức khỏe con người xuất hiện thường xuyên ở các đô thị là hiện tượng nhiệt độ tăng đột biến. Thống kế của các tổ chức trên thế giới cho thấy, nạn nhân chủ yếu là những người lớn tuổi với hơn 70% trường hợp có độ tuổi 75-95 tuổi. Các đô thị lớn cũng làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của các đợt nóng tại đây, các công trình xây dựng làm tích tụ nhiệt độ trong khi quá trình tỏa nhiệt ban đêm lại bị hạn chế, các tòa nhà làm cản gió hay các hoạt động công nghiêp lại xả rất nhiều nhiệt.
Như vậy, các đô thị lớn phải đương đầu với nguy cơ về sức khỏe của con người càng đa dạng so với việc thay đổi khí hậu toàn cầu. Trên thế giới, ngoài cơ chế và giám sát bệnh dịch, thuộc thẩm quyền của nhà nước, chính quyền nhiều thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đối với nhóm dân cư dễ bị tác động bởi các nguy cơ. Tại Việt Nam, cũng đã có những qui định để ứng phó với các mối nguy do sự thay đổi của thời tiết (nóng quá hay lạnh quá người dân sẽ được nghỉ). Tuy nhiên, điều này mới chỉ là các giải pháp tình thế, những ứng phó cụ thể với các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho con người còn rất thiếu vắng. Với những diễn biến phức tạp của thời tiết và tính cực đoan cao, đã đến lúc, cần đưa những nguy cơ trên vào các kế hoạch khẩn cấp.
Cần lắm những đô thị xanh
Giữa những ngày nắng nóng mới thấy cần lắm những đô thị xanh, những không gian để “giải nhiệt” cho các đô thị đang ngày bị hâm nóng bởi vô số nhà cao tầng đang mọc lên.
Theo đó, xu hướng thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong bối cảnh các cao ốc mọc lên ngày càng nhiều tại các khu đô thị hiện nay đang được giới nghiên cứu và cả các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Họ xem đây như một yếu tố cốt lõi để cạnh tranh. Các chuyên gia cho rằng, chi phí nguyên vật liệu tăng, yêu cầu bảo vệ môi trường và nhu cầu thị trường là những động lực thúc đẩy giới chủ đầu tư tìm kiếm các thiết kế xanh, tiết kiệm môi trường cho các tòa cao ốc của mình. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra rằng, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng chưa cao, bên cạnh việc thiếu tính liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện cuối cùng của dự án là trở ngại lớn hiện nay.
Còn tại Việt Nam, dường như đường đến cho việc áp dụng các công trình xanh còn khá gian nan. Bởi lẽ, hiện nay Nhà nước chỉ mới vận động, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng. Về lâu dài cần có chế tài, cộng với các quy chuẩn bắt buộc giới chủ đầu tư áp dụng cho công trình của mình, bên cạnh những chính sách ưu đãi.
Thực tế cho thấy, một không gian đô thị được quy hoạch hiện đại phải luôn có các điểm nhấn, điểm dừng dành cho tất cả mọi người: Đó là các không gian công cộng, những khoảng xanh, vành đai xanh… Về lý thuyết là thế, nhưng hiện tại, hàng triệu ha đất ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang để hoang hóa là một lãng phí ghê gớm khi mà các không gian công công đô thị vô cùng thiếu. Với thủ đô Hà Nội, cho đến giờ, các vành đai xanh trong những bản qui hoạch dường như đang lặng lẽ biến mất, nhường chỗ cho những đô thị ken đặc nhà nhưng hoang vắng.
Một tòa nhà, một khu đô thị có thể xây dựng trong một vài năm hay… một nhiệm kỳ. Nhưng để thành phố xanh, để là đô thị xanh cần phải mất một thời gian dài hơn thế nhiều.
Các nguy cơ và bài học của nhiều đô thị trên thế giới là nhãn tiền. Nhưng với Việt Nam, “cơn say” phát triển đại đô thị dường như chỉ mới bắt đầu.