Nhận được thông tin phản ánh từ dư luận, chiều ngày 9/4, PV có mặt tại khu di tích quốc gia Truông Bồn đã được chứng kiến hàng chục lượt xe tải trọng lớn chở đầy đất ùn ùn nối đuôi nhau từ đường làng xã Mỹ Sơn đi ra QL 15A.Phía sau là bụi bặm, đất đá rơi vãi trên QL 15A khiến người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này phải nhiều phen “thót tim”.Nhiều phương tiện ô tô vận tải hành khách chở các đoàn đến tham quan khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn phải nép, né một bên để tránh xe tải trọng lớn chở đất đá băng băng trên QL 15A.
Không chỉ vậy, cả một đoạn đường làng nối từ QL 15A vào xóm 10 xã Mỹ Sơn dài khoảng hơn 500m rải nhựa nhưng đã bị sụt lún, biến dạng chỉ sau loạt xe tải trọng lớn chở hàng chục m3 đất đá đi qua.Tiếng động cơ gầm rú, hàng loạt xe tải trọng lớn nối đuôi nhau ra vào khu vực khai thác đất đã khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề.
Theo tìm hiểu thì khu vực khai thác đất đồi cạnh khu dân cư ở xóm 10, xã Mỹ Sơn được các phương tiện cơ giới tập kết, hoạt động từ ngày 8/4. Đến chiều 9/4, hàng chục lượt xe tải tấp nập vào khu vực đất đồi ở xóm 10, xã Mỹ Sơn để “ăn hàng” rồi lao vun vút đến khu vực nhà máy gạch Đô Lương thuộc xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương.
Điều đáng nói là trong quá trình vận chuyển đất đá có cả những xe chở vượt thùng, vút ngọn không che đậy cẩn thận vẫn vô tư lao nhanh trên QL 15 từ xóm 10, xã Mỹ Sơn đến địa phận xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương mà không hề thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng như các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường này.
Theo phản ánh, trước đó, vào thời điểm cuối tháng 3/2018, ngay cạnh khu di tích quốc gia Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương cũng xuất hiện tình trạng đào bới nham nhở đất đồi để vận chuyển ra ngoài. Sự việc không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, biến dạng về bình đồ đất đai mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan của khu di tích lịch sử linh thiêng của dân tộc.
Trước sự việc xảy ra tình trạng khai thác đất diễn ra ồ ạt tại khu vực xóm 10, xã Mỹ Sơn trong chiều ngày 9/4, phóng viên đã liên hệ để thông tin với ông Ngọc Kim Nam – Bí thư Huyện uỷ Đô Lương thì được vị này cáo đang bận họp. “Hiện tại tôi đang họp, nếu có thông tin như vậy tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý ngay” – Bí thư huyện uỷ Đô Lương nói thêm. Còn ông Đặng Văn Tú – Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn trả lời là sẽ cho kiểm tra ngay vì chưa biết được tình trạng đang khai thác đất trái phép trên địa phận xã mình quản lý.
Tiếp tục trao đổi qua điện thoại với ông Trần Văn Toản – Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An) thì được biết trách nhiệm quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản là của lãnh đạo huyện, xã.
“Cái này theo quy chế anh nên trao đổi trực tiếp với lãnh đạo huyện vì họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp xử lý tình trạng khai thác đất trái phép. Địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương chưa hề được cấp phép bất kỳ một mỏ khai thác đất nào cả” – ông Trần Văn Toản thông tin thêm.
Sáng 10/4, trao đổi với Thượng tá Trần Phúc Thịnh – Trưởng phòng Cánh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An thì được biết, ngay sau khi phóng viên thông tin về tình trạng khai thác đất trái phép tại xóm 10, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương vào chiều 9/4 thì Cảnh sát môi trường đã đến hiện trường nhưng các phương tiện máy móc đã rút hết.
“Chúng tôi đã cho lập biên bản với sự chứng kiến của chính quyền địa phương về việc để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn” – Thượng tá Trần Phúc Thịnh cho biết.
Đến đây dư luận cho rằng, tại sao giữa “thanh thiên bạch nhật” tình trạng khai thác đất trái phép lại vô tư diễn ra ở xã Mỹ Sơn, nơi có di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, QL 15A đi qua nhưng các cấp chính quyền và cơ quan chức năng ở đây không hề hay biết? Phải chăng việc khai thác đất trái phép đưa đi tiêu thụ tại các nhà máy gạch đang có sự “tiếp tay”?