Đo đạc bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm chủ quyền quốc gia

Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa | 04/08/2022 15:30

(TN&MT) - Sau ngày hòa bình lập lại, xuất phát từ vai trò quan trọng của ngành Đo đạc và Bản đồ đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 444-TTg thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng, chính thức hình thành cơ quan Cục Đo đạc và Bản đồ của Nhà nước cách mạng Việt Nam.

Đây là cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ đầu tiên của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ đã được tổ chức lại nhiều lần nhưng luôn được giao nhiệm vụ và giữ vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, tổ chức triển khai công tác đo đạc và bản đồ cơ bản trên phạm vi cả nước, đáp ứng mọi yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 2002 đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ tái thành lập, trực thuộc Bộ TN&MT, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ trên toàn quốc. Tại Nghị định số 25/2008/NĐ-CP, Cục Đo đạc và Bản đồ đổi tên thành Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam. Ngày 4/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, tại Nghị định này, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam được đổi tên thành Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

t40.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành nhấn nút ra mắt Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia năm 2019. Ảnh: Hoàng Minh

Từ khi được tái thành lập cho đến nay, ngành đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22/1/2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ quản lý Nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ. Hoàn thành và công bố mạng lưới địa chính cơ sở và hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 Hệ VN-2000 phủ trùm toàn quốc vào năm 2004. Tăng cường cơ sở hạ tầng thu nhận, xử lý dữ liệu; triển khai ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Xây dựng và trình ban hành Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 33/2008/QĐ-TTg.

Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã phát triển toàn diện về xây dựng thể chế quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, xây dựng hạ tầng thông tin địa lý quốc gia. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã xây dựng và cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Trong đó, nổi bật nhất là việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình Luật Đo đạc và Bản đồ được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 14/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như: Chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định gồm Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ; Nghị định 03/2019/NĐ-CP về hoạt động viễn thám và Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; Nghị định 136/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ. Cục đã xây dựng, trình Bộ TN&MT ban hành hệ thống văn bản quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; cơ bản hoàn thành việc công bố địa danh để phục vụ cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập bản đồ địa hình quốc gia.

Đã tập trung triển khai và cơ bản hoàn thành các đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại “Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó, tiêu biểu là việc hoàn thành 2 dự án quan trọng (2008 - 2012) liên quan đến thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước và cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Triển khai Dự án đầu tư hạ tầng xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và Chính phủ điện tử (2020 - 2022) đảm bảo kịp thời cung cấp cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia các tỷ lệ 1:25.000, 1:50.000, 1:100.000; 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 cho các bộ và địa phương phục vụ công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành. Hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin địa danh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ công tác thành lập bản đồ.

Từ năm 2002 đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ tái thành lập, trực thuộc Bộ TN&MT, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ trên toàn quốc.

Cùng với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, cục đã hoàn thiện mạng lưới trọng lực quốc gia phục vụ cho đo đạc trọng lực chi tiết, phục vụ công tác thăm dò, điều tra tìm kiếm khoáng sản. Chính xác hóa mô hình GEOID địa phương trên lãnh thổ Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc ứng dụng xác định độ cao bằng công nghệ định vị vệ tinh (GNSS). Hoàn thành Dự án xây dựng mô hình số độ chính xác cao khu vực ven biển, phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tiếp tục ứng dụng các công nghệ hiện đại trong hoạt động đo đạc và bản đồ; xây dựng và đưa vào sử dụng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia VNGEONET với số lượng 65 điểm phân bố trên địa bàn 40 tỉnh thành phố góp phần trong việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về Trái đất.

Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc các tuyến biên giới trên đất liền với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia, góp phần quan trọng vào xây dựng biên giới chung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát TN&MT nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2013 - 2018); tăng cường năng lực cho Cục Bản đồ Quốc gia Lào; Hoàn thành và bàn giao sản phẩm Dự án “Khôi phục và hoàn thiện hệ thống độ cao quốc gia Campuchia”, giúp nước bạn xây dựng hệ thống mạng lưới độ cao hạng I, II được xây dựng phủ trùm lãnh thổ Campuchia, tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam luôn bám sát định hướng phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước; triển khai có hiệu quả các công trình, dự án đo đạc và bản đồ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế và đồng thời xây dựng nếp sống văn hóa mới, con người mới.

Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2009), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2004), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1994, 2019), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1989), Huân chương hữu nghị Việt - Lào, Huân chương Lao động hạng Nhất Lào (2018); Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động, Bằng khen cho các tập thể và cá nhân trong ngành. Đặc biệt, nhiều công trình, tập thể, cá nhân thuộc ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam được Đảng và Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, đó là sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với cống hiến của các đơn vị, cá nhân tiêu biểu của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong suốt 63 năm qua.

Trong thời gian tới, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính sau:

Đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ ban hành văn bản theo chức năng nhiệm vụ được quy định trong các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ; hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc cơ bản để thống nhất sử dụng chung trên toàn quốc. Tập trung vào việc hoàn thiện mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia phủ trùm toàn quốc và khai thác, sử dụng có hiệu quả trong các hoạt động của các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đáp ứng yêu cầu công tác lập quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, UBND cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia tổ chức tốt công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia.

Với truyền thống 63 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành sẽ nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nội dung trên, xây dựng ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát triển vững mạnh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đo đạc bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm chủ quyền quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO