Kinh tế

Đình Lập (Lạng Sơn): Đổi thay từ rừng

Hoàng Nghĩa 29/02/2024 - 16:23

(TN&MT) - Huyện Đình Lập (Lạng Sơn) được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên đất, rừng và khí hậu. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Đình Lập đẩy mạnh phát triển các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Theo số liệu từ UBND huyện Đình Lập, toàn huyện có trên 93.000ha diện tích rừng, độ che phủ đạt 76,2%. Diện tích rừng trồng không ngừng tăng lên, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung, gồm: Vùng trồng chè (thị trấn nông trường Thái Bình, Lâm Ca, Thái Bình), vùng trồng thông (Bính Xá, Kiên Mộc, Bắc Xa, Cường Lợi, Đình Lập), vùng trồng keo (Châu Sơn, Bắc Lãng); cây dược liệu Sa nhân, ba kích, chè hoa vàng… trồng rải rác ở các xã.

Bính Xá là 1 trong những địa phương thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế từ đồi rừng của Đình Lập. Toàn xã có gần 9.000 ha rừng trồng, 5 mô hình ươm giống cây lâm nghiệp, 4 xưởng chế biến gỗ để chủ động nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm gỗ. Việc phát triển kinh tế đồi rừng góp phần giảm số hộ nghèo của xã và tăng số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chỉ còn 4,3%, giảm 4% so với năm 2022.

img_1686825924317_1686825974350.jpg
Người dân Đình Lập khai thác nhựa thông.

Ông Bế Văn Túc, thôn Pò Háng, xã Bính Xá cho biết, nhận thấy lợi thế về phát triển kinh tế đồi rừng, từ năm 2006, gia đình tôi đã trồng thông và năm 2016 bắt đầu trồng keo. Giờ đây, gia đình có trên 6ha thông, 2ha keo. Trong quá trình trồng, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc cây, cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh… do huyện, xã tổ chức.

Nhờ sự năng động, chịu khó, toàn bộ diện tích rừng thông của gia đình ông phát triển tốt. Từ năm 2022 đến nay, mỗi năm, gia đình thu nhập trên 400 triệu đồng từ khai thác nhựa thông, đồi keo cũng đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào 2 năm tới.

Thông qua Hội nông dân xã, năm 2004, ông Chu Văn Là ở xã Bính Xá đã vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua cây thông giống về trồng. Trải qua thời gian đầu đầy khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, nhưng với quyết tâm cao, không ngại khó, ngại khổ, anh đã từng bước tháo gỡ được khó khăn trước mắt. Từ năm 2019 đến nay, gia đình đã khai thác nhựa thông đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Bên cạnh chăm sóc và khai thác diện tích rừng, năm 2016, ông còn đầu tư mua máy xúc, xe tải để phục vụ việc thu mua, khai thác gỗ của các hộ dân trong và ngoài xã. Cũng từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình có thêm nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí từ việc thu mua, khai thác gỗ. Không chỉ vậy, mô hình phát triển kinh tế của gia đình còn tạo việc làm cho 3-5lao động thời vụ với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

screenshot_20221214-131339_facebook.jpg
Hàng năm, công tác trồng rừng luôn được huyện Đình Lập quan tâm triển khai tích cực, góp phần nâng độ che phủ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo UBND huyện Đình Lập, phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện, bình quân hàng năm trồng rừng được 1.270 ha. Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh của huyện, trong quy hoạch phát triển rừng, huyện chủ trương phát triển 2 loại cây chính là thông và keo. Trong đó, quy hoạch trồng thông tập trung tại các xã Bắc Xa, Bính Xá, Kiên Mộc, Thái Bình, Đình Lập, thị trấn Đình Lập… Trồng keo tại Bắc Lãng, Châu Sơn…

Năm 2023, toàn huyện đã trồng mới trên 1.300ha rừng, trong đó trồng cây gỗ lớn được 407ha; sản lượng khai thác gỗ 148.250 m3, tăng 23,3% so với cùng kỳ; sản lượng nhựa thông khai thác 18.500 tấn, tăng 7,56% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các nguyên tắc của Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với 4.594 ha đã được cấp chứng chỉ; tiếp tục triển khai cấp chứng chỉ rừng ước đạt 5.000 ha. Hiện đang phối hợp, hỗ trợ 1 doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, thực hiện các thủ tục cấp tín chỉ carbon.

Tập trung thâm canh, tăng vụ, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về công tác trồng rừng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác hợp lý, góp phần tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế đồi rừng, năm 2024, UBND huyện xác định tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về đất đai, cung ứng giống cây trồng, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con trồng rừng. Tích cực vận động, hướng dẫn nhân dân trồng rừng cây gỗ lớn, phấn đấu trồng rừng đạt trên 1.200 ha, trồng cây gỗ lớn 300 ha.

Đẩy mạnh công tác cấp chứng chỉ rừng để nâng cao giá trị, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm gỗ; duy trì diện tích quản lý rừng bền vững 15.000 ha, diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ 4.594 ha; phát triển thêm 5.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

screenshot_20221214-125427_facebook.jpg
Tỷ lệ hộ nghèo của Đình Lập hiện còn 3,56%, hộ cận nghèo là 7,5%.

Đến hết năm 2023, Đình Lập còn 267 hộ nghèo, tỷ lệ 3,56%; 563 hộ cận nghèo, tỷ lệ 7,5%, là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp nhất tỉnh. Đình Lập phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện NTM, trong đó, có 3 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng. Sản lượng nhựa thông khai thác 17.000 tấn/năm; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 46.000 m3/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 78%; 99,8% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 97% chất thải rắn ở đô thị được thu gom xử lý…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Lập (Lạng Sơn): Đổi thay từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO