Định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ

04/10/2018 12:52

(TN&MT) - Vốn là ngành khoa học nghiên cứu về Trái đất, có liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nên sự phát triển khoa học và công nghệ trong đo đạc và bản đồ suốt thời gian qua có sự phát triển vượt bậc, song hành cùng sự phát triển của ngành đo đạc và bản đồ. Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của lĩnh vực đo đạc và bản đồ đã đóng góp quan trọng trong việc hình thành hệ thống lý luận khoa học phục vụ việc ban hành cơ chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ điều tra cơ bản phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.

T11a
Đo đạc, lập bản đồ địa chính. Ảnh: MH

Phục vụ xây dựng văn bản pháp quy về đo đạc và bản đồ

 Kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần trong việc xây dựng và ban hành Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 về quản lý hoạt động đo đạc và và bản đồ thay thế Nghị định  số 12/2002/NĐ-CP ngày 22/1/2002.

Ngày 14/6/2018, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 27/2018/QH14 Luật Đo đạc và Bản đồ. Kết quả nghiên cứu khoa học đã đề xuất khung Luật Đo đạc và Bản đồ và danh mục hệ thống các văn bản dưới Luật và các nguyên tắc xây dựng Luật trên cơ sở các luận cứ khoa học cụ thể, kết hợp kinh nghiệm thực tiễn của nước ngoài và yêu cầu thực tế của công tác quản lý đo đạc và bản đồ ở Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về kỹ thuật, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật trong đo đạc và bản đồ: Quy chuẩn quốc gia về lưới tọa độ, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lưới độ cao, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng các quy định kỹ thuật đối với công tác đo đạc và thành lập bản đồ, nghiên cứu đổi mới các chỉ tiêu đánh giá độ chính xác mặt phẳng, độ cao; quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật về đo đạc trọng lực..

Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đo đạc và bản đồ

TS. Trần Bình Trọng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) khẳng định: Hoạt động khoa học và công nghệ đo đạc và bản đồ đã góp phần trong việc nâng cao nâng cao hiệu quả công tác đo đạc thành lập bản đồ phù hợp với yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Đẩy mạnh ứng dụng đo đạc và bản đồ trong quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường; ứng dụng cho công tác đo đạc địa chính, ứng dụng cho công tác điều tra tài nguyên nước, ứng dụng trong lĩnh vực biển và hải đảo, ứng dụng trong giám sát tài nguyên, môi trường và phòng tránh thiên tai.

Cho đến nay, trang thiết bị cho khoa học và công nghệ đã được Bộ TN&MT quan tâm đầu tư. Đặc biệt, Bộ đã tập trung hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ trong công tác đo đạc, thành lập bản đồ. Trình độ máy móc, trang thiết bị các đơn vị đo đạc và bản đồ thuộc Bộ TN&MT được đánh giá ở mức trung bình khá. Tuy vậy, máy móc trang thiết bị hiện đại còn chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu đặt ra, đầu tư còn chưa đồng bộ.

Công tác thông tin khoa học và công nghệ đã được đẩy mạnh; kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được phổ biến trên các ấn phẩm trong, ngoài ngành và quốc tế. Hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường đã được quan tâm nhưng vẫn chưa hình thành được các chương trình, đề tài hợp tác khoa học và công nghệ trong ngành đo đạc và bản đồ, việc triển khai các nhiệm vụ hợp tác khoa học và công nghệ theo Nghị định thư trong những năm gần đây không triển khai nhiều.

Việc hợp tác nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp với đơn vị nghiên cứu còn hạn chế. Các quy định về quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đang dần được hoàn thiện. Theo đó, quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định chặt chẽ, đầy đủ trên cơ sở dụng tiến bộ công nghệ vào quản lý (đăng ký nhiệm vụ qua mạng, họp hội đồng trực tuyến,...) đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới.  

Mặc dù, đã đạt được những thành tích nhất định, nhưng nhìn chung hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ của Bộ TN&MT còn một số hạn chế. Theo Vụ trưởng Trần Bình Trọng, nhân lực nghiên cứu khoa học trong đo đạc và bản đồ và công nghệ nói chung chưa thực sự đồng đều, còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt là các cán bộ có trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cấp Nhà nước và quốc tế.

Đội ngũ cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ mặc dù có tăng về số lượng, có ưu điểm về khả năng nhanh nhậy tiếp cận công nghệ mới nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tế, năng lực đề xuất các nhiệm vụ giải quyết các vấn đề lớn, cấp thiết trong ngành đo đạc và bản đồ còn hạn chế.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ: Thiếu quy hoạch, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao về đo đạc và bản đồ; chưa có chính sách thu hút, ưu đãi cán bộ nghiên cứu khoa học trong đo đạc và bản đồ. Một số chuyên ngành còn thiếu cán bộ “đầu đàn”.

Đó là chưa kể, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ về đo đạc và bản đồ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của ngành cũng như yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; khó phát huy được nguồn lực công nghệ và con người một cách hiệu quả.

Định hướng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ đến năm 2025

Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc sử dụng thông tin không gian địa lý ngày càng tăng, các cơ quan Chính phủ và các cơ quan tư nhân đều nhận thấy, các thông tin về vị trí và địa điểm đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Những người không có chuyên môn về thông tin địa lý cũng đang ngày càng sử dụng và tương tác với thông tin địa lý không gian và trong một số trường hợp họ đã có những đóng góp trong việc xây dựng bộ dữ liệu không gian. Các xu hướng phát triển công nghệ trong những năm sắp tới sẽ tạo ra một dung lượng lớn thông tin về vị trí.

Vụ Khoa học và Công nghệ đã chỉ ra một số xu hướng điển hình trong phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ trên thế giới như: Nhiều thiết bị đo đạc được tích hợp hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường với kết nối mạng internet; các thiết bị đơn giản như điện thoại cầm tay, máy tính… ngay cả khi giá rẻ, công nghệ không cao nhưng chỉ cần được kết nối mạng là có thể trở thành công cụ có thể thu nhận một lượng dữ liệu địa lý đồ sộ; các mạng xã hội như Twitter hay Facebook cũng đưa lại rất nhiều thông tin liên quan đến không gian địa lý.  

Khối lượng thông tin địa lý lưu trữ ngày càng đồ sộ, các phép phân tích không gian tạo ra những lớp thông  tin mới. Do đó, yêu cầu về giải pháp tổ chức, quản lý, lưu trữ dữ liệu địa lý và các công cụ tìm kiếm đủ mạnh để có thể tìm kiếm đúng thông tin cần thiết vào đúng thời điểm cần thiết để cung cấp kịp thời trở thành một xu hướng tất yếu. Các cơ sở dữ liệu địa lý có xu hướng không tồn tại đơn lẻ mà có liên kết, kết nối thành hệ thống mà Web là một giải pháp kết nối dữ liệu quy mô lớn. Dữ liệu được kết nối với nhau sẽ làm tăng giá trị thông tin đã có.

Công nghệ điện toán đám mây sẽ hỗ trợ để giải quyết bài toán chia sẻ, cung cấp, lưu trữ dữ liệu và giảm đáng kể kinh phí đầu tư. Trong 10 năm tới, dữ liệu không gian địa lý sẽ tăng đáng kể, đặc biệt là khối lượng dữ liệu và các yêu cầu về thời gian thực, dữ liệu thực tế sẽ tăng lên. Việc sử dụng điện toán đám mây là một giải pháp đáp ứng yêu cầu trên tạo điều kiện cho người dùng có thể tiếp cận với nguồn thông tin địa lý tại mọi lúc, mọi nơi.

Giải pháp mã nguồn mở có khả năng phát triển trong tương lai. Chuyển đổi từ việc xây dựng các bản đồ 2D sang 3D và tương lai sẽ là 4D. Chất lượng ảnh hàng không ngày càng tăng, với khả năng cung cấp độ phân giải cao đến cm ở rất nhiều khu vực. Trong thời gian tới, công nghệ sẽ hướng tới cải thiện tốc độ xử lý ảnh.

Công nghệ GNSS tiếp tục được sử dụng  phát huy thế mạnh bằng việc bổ sung vào hệ thống các thiết bị GNSS thế hệ mới. Hệ thống sẽ cung cấp dữ liệu nhanh hơn với độ chính xác cao hơn…

Việc định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ đo đạc và bản đồ trong nước sẽ căn cứ vào xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong đo đạc và bản đồ trong giai đoạn từ nay đến 2025, Vụ trưởng Trần Bình Trọng đã chỉ ra một số giải pháp mang tính định hướng đó là: Hoàn thiện cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ cho giai đoạn tiếp theo từ nay đến năm 2030. Phê duyệt Chiến lược phát triển Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.

Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong nước, nước ngoài thông qua các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu với nước ngoài; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho nghiên cứu khoa học.

Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học trong đo đạc và bản đồ; liên kết mật thiết với các cơ sở đào tạo để có được nguồn nhân lực chất lượng; hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu trình độ cao trong một số hướng nghiên cứu phức tạp và mang tính định hướng công nghệ cho ngành; lực chọn, đào tạo và có chế độ đãi ngộ phù hợp để có được một số chuyên gia đầu ngành.

Tăng cường liên kết nghiên cứu giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu, các trường, các doanh nghiệp và các chuyên gia độc lập trong nghiên cứu khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO