Điều tra hiện trạng để đề xuất hướng nghiên cứu
Được triển khai từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020, Đề án đã lựa chọn 10 điểm mỏ, điểm quặng thiếc - wolfram phân bố ở khu vực Nguyên Bình, Cao Bằng và 4 mỏ điểm quặng thiếc - wolfram phân bố ở khu vực Sơn Dương, Tuyên Quang để tiến hành điều tra hiện trạng và đánh giá tỷ lệ 1:10.000 khu vực quặng thiếc - wolfram Pia Oắc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Các hạng mục công việc đã được Tổ đề án thực hiện theo đúng quy trình quy phạm hiện hành, đảm bảo chất lượng, tiến độ các hạng mục công việc.
Theo ông Nguyễn Trung Thính thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, công tác điều tra hiện trạng trên các mỏ, điểm quặng thiếc - wolfram gốc, sa khoáng đã làm rõ được hiện trạng mức độ nghiên cứu, khoanh định được các diện tích đã khai thác, các bãi thải, các diện tích chưa khai thác làm cơ sở tính trữ lượng, tài nguyên khoáng sản còn lại và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.
Kiểm tra thi công thực địa Đề án năm 2020 |
Đối với các mỏ điểm quặng thiếc - wolfram sa khoáng, hiện nay các mỏ sa khoáng có trữ lượng lớn, điều kiện khai thác thuận lợi hầu hết đã bị khai thác cạn kiệt (Thái Lạc, Tĩnh Túc, Pác Bó, Nguyên Bình, Bắc Lũng). Tài nguyên, trữ lượng còn lại chưa khai thác chủ yếu do điều kiện khai thác khó khăn, nằm dưới ruộng lúa, khu dân cư, các mỏ nhỏ ít triển vọng.
Tương tự, đối với các mỏ điểm quặng thiếc - wolfram gốc, như mỏ Lũng Mười, Saint - Alexandr, các mạch quặng nhỏ của mỏ đã hoàn toàn bị khai thác trên mặt bằng các rãnh khai thác sâu 5 - 10 m, phần còn lại quặng nghèo không có giá trị; các thân quặng lớn hơn đã bị khai thác ở dưới sâu bằng các lò khai thác sâu 200 - 300 m dưới bề mặt địa hình; mỏ Kỳ Lâm hiện đã đóng cửa mỏ.
Bên cạnh điều tra hiện trạng, công tác đánh giá 1:10.000 khu vực Pia Oắc được Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Trung Thính cho biết, Liên đoàn đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu qua các bước thi công, từ đó làm rõ cấu trúc địa chất, đặc điểm ranh giới tiếp xúc giữa magma Pia Oắc và đá vây quanh hệ tầng Cốc Xô;… Kết quả khoan đánh giá quặng thiếc - woflram ẩn sâu tại đới dị thường địa vật lý ở khu vực Tài Soỏng năm 2020 qua lỗ khoan LP12 sâu 351 m, lỗ khoan LP11 sâu 410 m bước đầu đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, phát hiện đới biến đổi skarn hóa chứa khoáng hóa sheelit.
Quặng skarn sheelit dạng hạt nhỏ đến lớn, dưới đèn UV màu sáng trắng, quặng cấu tạo chủ yếu dạng dạng dải, dạng ổ, xâm tán thưa trong đá. Quặng phân bố không liên tục tạo lên đới khoáng hóa sheelit dày 200÷300 m.
Lựa chọn tổ hợp các phương pháp
Chia sẻ về những khó khăn, tồn tại của Đề án, ông Nguyễn Trung Thính cho biết: Diện phân bố của đới biển đổi skarn hóa chứa khoáng hóa sheelit chưa khống chế theo diện và theo chiều sâu do mạng lưới khoan còn khá thưa, kết quả chỉ mới dừng lại ở mức độ phát hiện.
Hơn nữa, công tác nghiên cứu thành phần vật chất còn gặp nhiều khó khăn, chưa khẳng định rõ được tổ hợp cộng sinh khoáng vật, thứ tự sinh thành cũng như loại hình hình thành nguồn gốc quặng.
Ngoài ra, đới biến đổi greisen dự báo liên quan đến khoáng hóa thiếc - wolfram kiểu vòm đỉnh khối granit mức độ nghiên cứu còn hạn chế, chủ yếu được dự báo qua công tác địa vật lý, địa hóa nguyên sinh. Đồng thời, các phương pháp đo từ tellua, điện chủ yếu thực hiện trên các tuyển còn khá thưa (>400 m), cần phải bổ sung đan dày để làm rõ thêm về cấu trúc cũng như các đới có triển vọng quặng hóa.
Đề án “Điều tra, đánh giá quặng thiếc - wolfram Pia Oắc và khoáng sản đi kèm khu vực phía Đông Bắc đứt gãy sông Hồng” là Đề án thành phần của Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội” do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì. Đề án tổng thể đã cơ bản hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản, lập bản đồ hiện trạng của 13 đề án đánh giá khoáng sản đang triển khai thi công.
Đánh giá về việc thực hiện Đề án trên, ông Trịnh Đình Huấn - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm cho biết, Tổ đề án đã lựa chọn tổ hợp các phương pháp và khối lượng có cơ sở khoa học phù hợp với đối tượng điều tra đánh giá nhằm đạt được mục tiêu đề ra và có hiệu quả cao nhất trong thi công. Tổ hợp phương pháp đo từ tellua kết hợp với đo sâu điện phân cực kích thích đã phát huy hiệu quả trong việc tìm kiếm, phát hiện quặng ẩn sâu. Kết quả thi công của đề án đã khẳng định sự tồn tại của quặng skarn sheelit phân bố ở khu vực Tài Soỏng, mở ra triển vọng tìm kiếm quặng skarn sheelit ven rìa khối Pia Oắc kéo dài từ Tài Soỏng đến Bản Ổ, Bản Chiếu nơi có các tiền đề, dấu hiệu thuận lợi tìm kiếm.
Đặc biệt, Đề án đã làm rõ cấu trúc địa chất, quy luật phân bố các mạch quặng, triển vọng quặng ẩn sâu, khoanh định được các thân quặng đạt giá trị công nghiệp trong khu vực đánh giá khoáng sản.
Tuy nhiên, do đối tượng nghiên cứu, tìm kiếm mới được phát hiện nằm ẩn sâu, mức độ nghiên cứu còn hạn chế. Trước thực trạng đó, cùng với những khó khăn, tồn tại của Đề án, ông Trịnh Đình Huấn đề nghị Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét, cấp thêm kinh phí để nghiên cứu làm rõ triển vọng quặng thiếc - wolfram ở khu vực phía Đông Bắc đứt gãy sông Hồng.