Đã có những chủ trương lớn hướng đến sự tác động tích cực đối với sản phẩm do nông dân làm ra, như liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước… rồi tiếp theo bổ sung thêm nhà khoa học, ngân hàng trở thành 5 nhà…
Vậy, nhưng nhiều năm rồi chuỗi liên kết ấy bị lu mờ dần và gần như bất lực trước thảm cảnh giá nông sản cứ trồi sụt, lên xuống theo đồ thị hình sin nghiệt ngã. Mới đây, cam sành từng một thời nông dân dựa vào để thực hiện ước mơ trở thành tỉ phú 1 tỉ đồng/ha trồng cam. Cả làng cả xóm đua nhau lên liếp lập vườn cam, nhưng khổ nỗi, thời kỳ vàng son qua nhanh, giá cam lao dốc, từ 40.000-50.000đ/kg chỉ còn 3.000đ/kg như hiện nay, nghĩa là tiền bán cam thu được chủ vườn không đủ trả tiền thuê nhân công vào vườn hái trái nhiều chủ vườn lại tìm cách tự chuyển đổi…
Có người ví von là chuyển đổi theo mô hình lưỡi búa, nghĩa là đốn bỏ cả một vườn cam bạt ngàn để trồng thay vào đó những cây trái thời cuộc… Điệp khúc trồng - chặt - trồng - chặt lại trỗi lên, mấy chục năm rồi đeo đẳng khiến nông dân khốn đốn, cạn kiệt sức lực và tài chính…
Hỏi vì sao? Đến nơi nào trồng cam cũng cùng một câu trả lời, trồng nhiều quá, dư thừa không tiêu thụ nổi nên rớt giá… Điệp khúc trồng-chặt này xuất hiện hồi giữa thế kỷ trước bắt đầu từ cây ca cao rồi đến cây tiêu, điều và cây nhãn… khiến cho cả vùng trọng điểm về cây ăn trái của quốc gia lao đao thời gian dài. Bây giờ tiếp đến cây cam… Gót chân Achilles lại xuất hiện: Ham lợi nhuận lao vào, rồi giẫm đạp lên nhau để chết thảm hại ở đầu ra. Từ thống kê kim ngạch xuất khẩu rau quả, trái cây của nước ta từ năm 2009 - 2017 cho thấy, mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này tăng 26,5% và chuyên gia cho rằng Việt Nam có tiềm năng sẽ là nhà xuất khẩu rau, hoa quả lớn của thế giới.